Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của mỗi người

09:12, 02/12/2018

Mỗi năm, ngân sách Đồng Nai phải chi khoảng 190 tỷ đồng để trả phí xử lý rác cho các chủ đầu tư dự án xử lý rác thải. Về nguyên tắc, các chủ dự án phải nhanh chóng đầu tư cập nhật công nghệ để giảm tỷ lệ chôn lấp rác (hình thức xử lý thô sơ và gây hại cho môi trường nhiều nhất) xuống dưới 15%, song chỉ có 2/7 chủ dự án xử lý rác tại Đồng Nai làm được.

Mỗi năm, ngân sách Đồng Nai phải chi khoảng 190 tỷ đồng để trả phí xử lý rác cho các chủ đầu tư dự án xử lý rác thải. Về nguyên tắc, các chủ dự án phải nhanh chóng đầu tư cập nhật công nghệ để giảm tỷ lệ chôn lấp rác (hình thức xử lý thô sơ và gây hại cho môi trường nhiều nhất) xuống dưới 15%, song chỉ có 2/7 chủ dự án xử lý rác tại Đồng Nai làm được.

Rất rõ ràng, các dự án xử lý rác thải cũng như những dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác, nếu nhà đầu tư không đủ năng lực để đáp ứng các cam kết ban đầu với chính quyền lẫn người dân thì nên rà soát, rút giấy phép nếu cần. Sau đó, chọn các nhà đầu tư đủ năng lực và có khả năng thực hiện đúng các cam kết, làm ăn chân chính hơn thế chỗ.

Bài toán cân đối chi phí, lời lãi đầu tư trong các dự án xử lý rác thải là bài toán làm ăn của bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia ngành này, cũng là yếu tố mà chính quyền phải quan tâm khi lựa chọn. Việc để những dự án xử lý rác thải duy trì hoạt động nhiều năm liền trong khi liên tục vi phạm các cam kết về tiến độ xử lý, gây ô nhiễm nặng cho cả vùng quanh dự án khiến người dân bức xúc là điều dễ hiểu.

Song, câu chuyện về xử lý rác thực ra chỉ là phần ngọn của một vấn đề. Về lâu dài, mỗi người dân đều có trách nhiệm trong đó, đều phải chung tay góp sức nếu muốn giữ một môi trường trong lành cho bây giờ và cho thế hệ mai sau. Phần gốc của vấn đề chính là ý thức của từng người trong việc hạn chế các loại rác không thể hoặc khó tái chế, bớt sử dụng nhựa vàny-lông, chịu khó phân loại rác tại nguồn một cách nghiêm túc để đỡ bớt gánh nặng xử lý rác.

Nếu mỗi ngày, Đồng Nai phát sinh 1.400 tấn rác sinh hoạt như thống kê của cơ quan chức năng thì chỉ trong 1 năm, lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý là hơn nửa triệu tấn - một con số khổng lồ. Nhìn sang địa bàn lân cận là TP.Hồ Chí Minh, với 10 ngàn tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, mỗi năm thành phố này sẽ phải xử lý trên 3,65 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Và con số này chỉ có tăng mà không có giảm. Bao nhiêu dự án xử lý rác, bao nhiêu tiền cho các công nghệ hiện đại nhất mới đủ sức xử lý hàng triệu tấn/năm?

Để giảm bớt gánh nặng đó, mỗi người dân đều phải tham gia bằng những hành động tưởng như rất nhỏ hằng ngày: hạn chế phát sinh rác thải trong gia đình, phân loại rác tại nguồn kỹ lưỡng, ngừng sử dụng các chất liệu độc hại cho môi trường… Nếu chỉ bàn tới trách nhiệm chính quyền và doanh nghiệp, e là sẽ thiếu sót và chủ quan trong câu chuyện rác thải vốn là nỗi lo lớn của toàn nhân loại hiện nay. Chỉ khi từng người dân chú trọng đến việc tiêu thụ và thải rác sinh hoạt hằng ngày một cách có ý thức thì câu chuyện rác thải mới “nhẹ nhàng” hơn.

Kim Ngân

Tin xem nhiều