Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể chậm trễ thêm

09:03, 10/03/2019

Nhiều năm nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, tiến độ cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra. Sự chậm trễ này diễn ra trên quy mô cả nước chứ không riêng gì một địa phương nào.

Nhiều năm nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, tiến độ cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra. Sự chậm trễ này diễn ra trên quy mô cả nước chứ không riêng gì một địa phương nào.

Trong đó, các nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ cổ phần hóa chậm (tổng hợp từ ý kiến của các địa phương, bộ, ngành về cho Bộ Kế hoạch-đầu tư) là: các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương; các quy định về cổ phần hóa chưa thể xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp (xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai...), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài…

Ngoài ra, cũng không thể né tránh lý do một số bộ và một số địa phương chưa tích cực thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc sự quản lý của mình, quá trình xây dựng và phê duyệt các quyết định liên quan đến quá trình cổ phần hóa còn kéo dài. Bên cạnh đó, không thể loại trừ nguyên nhân một số doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước còn cao, dẫn đến khi chào bán cổ phần chưa thành công.

Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg 2019 nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ thị đã đặt ra thời gian thực hiện rõ ràng, kiên quyết. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn... dẫn đến tiến độ chung bị chậm. Chưa kể, yêu cầu thực hiện nghiêm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành quy định về cổ phần hóa...

Như vậy, theo lộ trình đặt ra, áp lực hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp tại tất cả các Bộ và các địa phương dồn cả vào 2 năm 2019 và 2020. Đồng Nai cũng không ngoại lệ khi cả 2 đơn vị lớn là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đều đang phải “chạy đua” để giải thể, thoái vốn, cổ phần hóa… hàng chục doanh nghiệp thành viên. Sự thúc ép từ phía Chính phủ mỗi lúc một tăng trong khi khối lượng hồ sơ thủ tục, những trình tự pháp lý chặt chẽ cần tuân thủ lại đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.

Song áp lực dù có lớn đến mấy thì yêu cầu nghiêm ngặt và xuyên suốt của Chính phủ vẫn là sự minh bạch, công tâm trong mỗi bước thực hiện để không một hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước hay hành vi tiêu cực gây lãng phí nào được phép xảy ra.

Vi Lâm

Tin xem nhiều