Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vị cay" của hồ tiêu

09:03, 11/03/2019

Thời cao điểm, một gia đình chỉ cần chăm sóc đầu tư 1 hécta tiêu là coi như... sống khỏe. Không ít người xây biệt thự, sắm xe hơi qua vài vụ "trúng" tiêu.

Thời cao điểm, một gia đình chỉ cần chăm sóc đầu tư 1 hécta tiêu là coi như... sống khỏe. Không ít người xây biệt thự, sắm xe hơi qua vài vụ “trúng” tiêu. Điều này dẫn đến chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây tiêu tại Đồng Nai đã tăng vọt, lên đến gần 9 ngàn hécta, vượt xa quy hoạch.

Trên phạm vi cả nước, thống kê từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, chỉ trong 5 năm, diện tích cây tiêu cả nước đã tăng gấp 3 lần, từ 53 ngàn hécta vào năm 2013 lên đến 152 ngàn hécta vào năm 2018 và vượt hơn diện tích quy hoạch gần 3 lần.

Đỉnh điểm “vàng son” của cây tiêu là năm 2014, khi hồ tiêu lần đầu tiên đứng vào hàng ngũ nông sản chạm mốc tỷ USD về kim ngạch với 1,2 tỷ USD. Lúc này, giá hồ tiêu lên đến 230 ngàn đồng/kg
và đây là nguyên nhân khiến nông dân cả nước hồ hởi trồng tiêu.

Đến năm 2018, nếu xét về sản lượng xuất khẩu, hồ tiêu Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới với 60% tiêu xuất khẩu ra thế giới đến từ Việt Nam, song giá chỉ còn bằng 1/4 so với năm 2014, chưa đầy 50 ngàn đồng/kg nên hồ tiêu nhanh chóng rớt khỏi “bảng vàng tỷ USD”. Nhiều nông dân, trong đó không ít nông dân Đồng Nai đã nếm trải “vị cay” của tiêu khi giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, trong khi chi phí đầu tư một vườn tiêu không hề rẻ.

Trước mắt, mọi dự báo đều chỉ ra trong thời gian ngắn, giá hồ tiêu rất khó phục hồi sớm bởi cung vẫn vượt quá cầu. Một số giải pháp đưa ra là giảm diện tích, trong đó chú trọng chặt bỏ những vườn tiêu già cỗi, kém năng suất. Thứ 2 là thay vì chỉ tập trung xuất hồ tiêu thô vào các thị trường dễ tính thì nông dân phải bắt tay cùng nhau liên kết với doanh nghiệp để cung cấp được hồ tiêu sạch, đạt chuẩn vào các thị trường khó tính. Về lâu dài, muốn tồn tại tốt, hồ tiêu Việt Nam cũng như bao loại nông sản khác chỉ có cách tập trung vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vững mạnh.

Bài ca “trồng - chặt - chặt - trồng” chỉ riêng với cây tiêu hiện đang vào giai đoạn cao điểm là chặt bỏ, những vườn tiêu xác xơ trơ gốc đại diện cho mong muốn làm giàu một thời từ cây tiêu của nông dân. Song đã đến lúc phải thay đổi từ cách làm đến tư duy sản xuất, mà dễ thấy nhất là nhìn vào nhu cầu thị trường, hơn nữa là vào đơn hàng cụ thể (từ những liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp) để sản xuất trong trạng thái đảm bảo đầu ra, thay vì mê mải chạy theo một phong trào mà không ai đoán được lúc nào lên cao trào, lúc nào xuống đáy. 

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều