Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai "cứu" ngành mía đường?

09:04, 24/04/2019

Mía đường là một trong số ít các ngành được Chính phủ chọn để bảo hộ trong nhiều cam kết quốc tế với mục đích kéo giãn thời gian áp thuế 0% lên đường nhập khẩu nhằm giúp ngành mía đường trong nước có thời gian nâng cao năng suất chất lượng, giảm giá thành để cạnh tranh.

Mía đường là một trong số ít các ngành được Chính phủ chọn để bảo hộ trong nhiều cam kết quốc tế với mục đích kéo giãn thời gian áp thuế 0% lên đường nhập khẩu nhằm giúp ngành mía đường trong nước có thời gian nâng cao năng suất chất lượng, giảm giá thành để cạnh tranh.

Nhưng có vẻ sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp ngành mía đường trong nhiều năm qua không theo kịp ngành mía đường khu vực, khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam liên tục “kêu cứu”, kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, kiến nghị lên Chính phủ xin được “giãn tiến độ” thực thi các cam kết về thuế nhập khẩu đường, cụ thể là kiến nghị xem xét, đề xuất lại lộ trình và hàng rào thương mại đối với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trong đó có việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan từ 3-5 năm (tức tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường thay vì áp dụng từ ngày 1-1-2020 theo lộ trình), nghĩa là mong Chính phủ tiếp tục đánh thuế cao đường nhập khẩu để đường trong nước có cơ hội cạnh tranh về giá.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12%. Hiện mặt hàng đường lỏng đang không áp dụng hạn ngạch thuế quan và thuế suất áp dụng trong các nước ASEAN là 0%.

Tuy nhiên, liệu những kiến nghị dời, giãn thời gian thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu có phải là một cách để ngành mía đường trong nước vượt khó hay không? Và liệu những kiến nghị trên có khả thi? Thực tế, việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến ngày 1-1-2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Công thương đối với ngành mía đường. Và thời điểm dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa, do đó các doanh nghiệp mía đường cần phải có các phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới.

Thực tế, giá đường trong nước đang cao hơn khoảng 20-30% so với đường nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines. Có nhiều nguyên nhân khiến giá đường trong nước cao hơn hẳn, song lý do chính vẫn là những tồn tại trong tổ chức sản xuất, năng suất mía, chữ đường… khiến giá thành đường trong nước đội lên. Xét về góc độ quyền lợi người tiêu dùng, càng kéo dài thời gian bảo hộ mía đường, người tiêu dùng càng thiệt thòi do phải mua đường với giá cao.

Sự chia sẻ của Chính phủ (bằng việc thỏa thuận lại với các điều khoản cam kết quốc tế) để kéo dài thời gian bảo hộ mía đường, và sự chia sẻ của người tiêu dùng (bằng việc chấp nhận mua đường với giá cao hơn) chắc chắn là những sự chia sẻ có giới hạn và không thể kéo dài quá lâu. Vậy nên về lâu dài, không ai khác hơn là chỉ có những doanh nghiệp trong ngành mới có thể có những thay đổi kịp thời, căn cơ nhằm tự “cứu” mình.                                                                  

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều