Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần chung tay gỡ khó

09:08, 05/08/2019

Hàng trăm dự án với tổng diện tích đất hơn 19 ngàn hécta tại Đồng Nai cần triển khai sớm thực sự là một "gánh nặng" cho các cơ quan chức năng liên quan bởi số đầu việc khổng lồ cần triển khai đúng thời hạn.

Hàng trăm dự án với tổng diện tích đất hơn 19 ngàn hécta tại Đồng Nai cần triển khai sớm thực sự là một “gánh nặng” cho các cơ quan chức năng liên quan bởi số đầu việc khổng lồ cần triển khai đúng thời hạn.

Về phía người dân, dự án chậm một ngày nghĩa là họ phải chờ đợi thêm một ngày để được chi trả tiền bồi thường, di chuyển đến nơi ở mới và để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại nhiều dự án đặc thù, dự án chậm cũng đồng nghĩa với việc người dân phải tiếp tục cuộc sống tạm cư bấp bênh mà chưa biết lúc nào “an cư lạc nghiệp”. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang triển khai dở dang gây rất nhiều khó khăn cho đời sống xã hội. Chẳng hạn khi các dự án như nhà ở thu nhập thấp, trường học, bệnh viện, công trình giao thông trọng điểm chậm trễ có thể khiến cho nhiều học sinh vẫn phải học ở những ngôi trường lụp xụp hay nhiều huyện vùng sâu, vùng xa vẫn phải đi hàng chục cây số mới tới được một bệnh viện…

Với nhà đầu tư, trễ tiến độ cũng đồng nghĩa với những áp lực về lãi suất ngân hàng, ở nhiều trường hợp sản xuất đình trệ, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời, chưa kể một lượng lớn nhân sự phải tập trung cho dự án…

Mổ xẻ nguyên nhân chậm trễ, có thể thấy vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện là nguyên nhân phổ biến nhất, không phải chỉ riêng Đồng Nai mà trên phạm vi cả nước, không phải chỉ ở những dự án của tỉnh mà cả những dự án tầm quốc gia hầu hết đều gặp thách thức ở khâu này. Với khối lượng dự án lớn, việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh hiện rất nhiều. Thiệt hại đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là một dự án nếu giải phóng mặt bằng bị chậm năm này sang năm khác, tổng vốn đầu tư sẽ bị tăng thêm do thời điểm đầu tư công trình mỗi năm một khác, các khoản chi phí “đội giá” theo. Không chỉ vậy, công trình chậm đưa vào khai thác còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả người dân trong vùng dự án cũng gặp không ít khó khăn khi dự án bị chậm trễ, kéo dài dây dưa mãi.

Sâu xa hơn, có thể thấy rõ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong việc chậm trễ mặt bằng. Lý do lớn nhất vẫn là chính sách đất đai, đền bù giải tỏa quá phức tạp, mất thời gian và thay đổi khá thường xuyên, dẫn đến nhà đầu tư, chính quyền lẫn người dân phải liên tục thay đổi để thích nghi. Phần khác là do những cơn sốt đất diễn ra trên diện rộng khiến giá thị trường chênh lệch quá cao với giá đền bù các dự án.

Mặt khác, cũng không loại trừ nguyên nhân do chủ quan từ phía cơ quan chức năng không nhanh nhẹn trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án… Dù có thế nào, việc đẩy nhanh tiến độ dự án nói chung và các dự án trọng điểm nói riêng cũng là vấn đề quan trọng hiện nay, cần sự chung tay của cả người dân, chính quyền lẫn nhà đầu tư bởi trách nhiệm rõ ràng không của riêng ai và thiệt hại khi dự án chậm tiến độ cũng là những thiệt hại rất “chung”.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều