Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự linh động từ Trung ương

09:08, 18/08/2019

Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ; cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất, với 29 phường.

Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ; cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất, với 29 phường.

Không khó để nhìn ra khá nhiều phường của TP.Biên Hòa như: Long Bình, Trảng Dài, Long Bình Tân, Tam Phước, Phước Tân đang ở trong tình trạng quá tải trên nhiều mặt: hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, an ninh trật tự, y tế, giáo dục... Đặc thù về sự đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực vùng ven đã khiến dân số tăng nhanh quá mức trong vòng 10 năm qua ở các phường này. Thậm chí, dân số tăng mạnh đến mức gấp 2-4 lần so với các phường nội ô (thường có tính ổn định dân số cao hơn).

Dân số đông dĩ nhiên sẽ kéo theo yêu cầu về giải quyết thủ tục hành chính cũng tăng gấp nhiều lần so với các phường nội ô chỉ có trên dưới 20 ngàn người. Lượng hồ sơ của một phường đông dân nhận được có khi gấp 3-4 lần so với các phường khác. Để tạo thuận lợi cho người dân và giải quyết nhanh gọn các thủ tục, lẽ ra cán bộ giải quyết được bổ sung tăng cho phù hợp, song theo quy định, lượng cán bộ có hạn nên nhiều phường phải chịu cảnh quá tải trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân. Đơn cử như phường Long Bình Tân, trong năm 2018, phải giải quyết khoảng 70 ngàn hồ sơ các loại, trong khi số lượng cán bộ quy định chỉ có 23 người.

Một điểm khó nữa là sự biến động về đất đai ở các phường ngoại vi thành phố mấy năm qua diễn ra rất mạnh mẽ, những hành vi xâm phạm đất công như: xây nhà trái phép trên đất rừng, mở xưởng sản xuất trong vùng không có quy hoạch, khai thác khoáng sản trái phép… càng đặt thêm gánh nặng cho công tác quản lý của chính quyền địa phương. Vậy nên nhu cầu tách phường càng trở nên bức thiết.

Thực tế, xét về diện tích và quy mô dân số, cả 3 phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân đều đã có nhiều năm đề xuất tách phường nhưng chưa thực hiện được. So với các tiêu chuẩn trong quy định, thậm chí các phường trên có thể tách làm 3-5 phường mà vẫn đảm bảo đủ về dân số, diện tích.

Nhu cầu của địa phương thì đã rõ, song những năm gần đây, Quốc hội đang hạn chế việc chia tách đơn vị hành chính bởi trong 30 năm qua, Việt Nam đã tăng hơn 1,5 ngàn đơn vị cấp xã, phường và là nước có biến động về đơn vị hành chính nhiều và liên tục so với các nước trên thế giới. Kiểm soát sự biến động này là tốt, song cũng không nên quá cứng nhắc mà cần sự linh hoạt về cơ chế, chính sách, chẳng hạn xem xét cho tách phường, xã với các nơi đã “dư chuẩn” hoặc bố trí thêm cán bộ cũng như bố trí đầu tư thêm hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số địa bàn đặc thù. Nếu không, đô thị hóa càng diễn ra mạnh mẽ thì sẽ càng đem lại rất nhiều thách thức trong quản lý, đồng thời gây khó cho chính người dân sống trên địa bàn.    

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều