Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ gìn 'tài sản' quý của doanh nghiệp

09:09, 10/09/2019

Từng nhiều năm làm việc ở lĩnh vực y tế lao động, một bác sĩ hiện công tác ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đã quá quen với thái độ lạnh lùng, thờ ơ của doanh nghiệp khi phải tiếp các đoàn kiểm tra, giám sát về y tế lao động.

Từng nhiều năm làm việc ở lĩnh vực y tế lao động, một bác sĩ hiện công tác ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đã quá quen với thái độ lạnh lùng, thờ ơ của doanh nghiệp khi phải tiếp các đoàn kiểm tra, giám sát về y tế lao động. Nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng nộp phạt chứ nhất định không chịu thực hiện những quy định về chăm sóc sức khỏe cho người lao động đang từng ngày tạo ra lợi nhuận cho chính doanh nghiệp mình. Vi phạm nhiều nhất vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thống kê, Đồng Nai hiện có hơn 20 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động trên 1 triệu người. Trong số này, nhiều lao động đang phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, nhiều tiếng ồn, bụi, độc hại... Bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc chăm lo tốt sức khỏe người lao động vẫn còn những doanh nghiệp coi thường vấn đề này, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không trang bị những dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Thậm chí, khi người lao động bị mắc một số bệnh nghề nghiệp như điếc, bụi phổi…, doanh nghiệp xem đó không phải trách nhiệm của mình.

Lý do khiến doanh nghiệp thờ ơ với sức khỏe của người lao động chính là ý thức chấp hành các quy định về y tế lao động còn hạn chế. Doanh nghiệp tiếc khi phải bỏ ra một số tiền lớn để thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho người lao động. Bản thân nhiều lao động cũng không nắm rõ quyền lợi của mình trong vấn đề này nên không đòi hỏi, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc.

Theo Sở Y tế, hiện ngành đang quản lý hơn 1,7 ngàn cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh; năm 2018, đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 74,7 ngàn lao động tại 205 cơ sở; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn lao động của 70 cơ sở. Những bệnh phát hiện nhiều nhất qua giám định là: điếc nghề nghiệp, viêm gan siêu vi B, lao…

Lãnh đạo ngành Y tế cũng thừa nhận, rất khó để ngành tiếp cận với doanh nghiệp chứ chưa nói đến việc yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đầy đủ quy định về y tế lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, do số lượng doanh nghiệp lớn, đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách công tác này lại mỏng nên khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, việc không bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và quan trắc môi trường ở cơ sở y tế công lập cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp dễ dàng “lách” quy định, không mặn mà tham gia.

Chăm lo tốt cho người lao động, trong đó có vấn đề sức khỏe là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp luôn có ý thức tự giác thực hiện công tác y tế lao động một cách nghiêm túc thì khi ấy người lao động mới thực sự là “tài sản” quý của doanh nghiệp.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều