Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng "nóng" diện tích và hệ lụy

09:12, 02/12/2019

Chỉ trong chưa đầy 2 năm tính từ năm 2017, diện tích trồng cây ăn trái các loại của Đồng Nai đã tăng thêm trên 7 ngàn hécta so với trước. Điều đáng ngại là đầu ra sản phẩm vẫn chưa được tính toán kỹ càng, hầu hết nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái chỉ dựa theo một tín hiệu duy nhất: giá bán tại thời điểm trồng.

Chỉ trong chưa đầy 2 năm tính từ năm 2017, diện tích trồng cây ăn trái các loại của Đồng Nai đã tăng thêm trên 7 ngàn hécta so với trước. Điều đáng ngại là đầu ra sản phẩm vẫn chưa được tính toán kỹ càng, hầu hết nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái chỉ dựa theo một tín hiệu duy nhất: giá bán tại thời điểm trồng.

Tình hình này không chỉ diễn ra tại Đồng Nai mà còn phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2019, rất nhiều địa phương diễn ra tình trạng tăng "nóng" diện tích cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi.

Điều này một phần xuất phát từ nguyên nhân năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam khá khả quan với kim ngạch đạt trên 3,52 tỷ USD, tăng đến 10,8% so với năm 2017.

Tuy nhiên, năm 2019, xuất khẩu rau quả lại gặp nhiều thách thức lớn. Bộ Công thương cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10-2019, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do các loại quả xuất khẩu chính như: thanh long, sầu riêng, dừa, dưa hấu... giảm mạnh về giá trị. Một lý do khác là từ đầu năm 2019, Trung Quốc (thị trường đang chiếm đến 73% xuất khẩu rau quả của Việt Nam) trở nên khắt khe hơn về tiêu chí chất lượng và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng rau quả, dẫn đến nhiều thời điểm rau quả Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường này.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đang chờ thì việc Đồng Nai và các địa phương đồng loạt tăng nhanh cả diện tích và sản lượng cây ăn trái có thể gây nên hệ lụy lâu dài. Bởi đầu tư cây ăn trái đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian, công sức hơn so với các loại cây trồng khác.

Truớc tình hình này, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã phải ra công văn khuyến cáo các địa phương và nông dân thận trọng trong việc ào ạt tăng diện tích cây ăn trái. Theo đó, với 5 lại cây trái tại các tỉnh phía Nam như: thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn cần đẩy mạnh rải vụ.

Riêng với cây có múi, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển “nóng” loại cây này, nhất là các vùng không phù hợp. Cục yêu cầu các nơi duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả đối với diện tích phân tán, tại các vùng không phù hợp.

Thực tế, khuyến cáo chỉ là khuyến cáo, bởi theo Luật Quy hoạch, việc “trồng cây gì, nuôi con gì” đã hoàn toàn thuộc quyền chủ động của nông dân, không còn nằm ở ý chí của những người làm quy hoạch cho ngành nông nghiệp như trước. Cũng chính vì thế, chính nông dân sẽ chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình trong việc đầu tư trồng cây gì, có làm rải vụ hay không, sẽ bán đi đâu, bán cho ai… và nếu tính toán sai, hệ lụy sẽ khá lâu dài. Vậy nên, cần sự tính toán thận trọng từ nông dân trong mỗi quyết định của mình.

Vi Lâm

Tin xem nhiều