Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân nhắc, hài hòa lợi ích các bên

10:01, 14/01/2020

Không phải tự nhiên mà dư luận Đồng Nai nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung đều rất quan tâm đến việc xây dựng và phê duyệt bảng giá đất giai đoạn 2020-2024,…

Không phải tự nhiên mà dư luận Đồng Nai nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung đều rất quan tâm đến việc xây dựng và phê duyệt bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ người dân khi thực hiện các thủ tục đất đai, liên quan đến tiến độ và vốn đầu tư các dự án, đến thu ngân sách, đến môi trường đầu tư…

Bảng giá đất là tập hợp các mức giá cho mỗi loại đất do UBND tỉnh xây dựng, được HĐND thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi chính thức ban hành. Bảng giá này được xây dựng và áp dụng dựa trên cơ sở phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.

Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Đây là cơ sở để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở trong hạn mức giao đất ở; tính thuế sử dụng đất; tính mức hỗ trợ, đền bù khi thực hiện giải phóng mặt bằng...          

Ở thời điểm này, khi “cơn sốt” bất động sản diễn ra từ năm 2017 và đạt cao trào năm 2018-2019, thì bảng giá đất càng được người dân và doanh nghiệp quan tâm sâu sắc. Nhất là khi giá đất giao dịch thực tế trên thị trường mấy năm qua (giữa 2 kỳ điều chỉnh) đã tăng gấp từ 3-10 lần theo thống kê sơ bộ của các cơ quan liên quan đến việc xác định và xây dựng bảng giá mới.

Điều này đặt ra một áp lực không hề lớn lên mỗi địa phương khi phải tính toán, cân bằng lợi ích giữa nhiều bên trong xây dựng bảng giá, nhất là khi định hướng của Chính phủ là luôn phải xây dựng bảng giá đất “tiệm cận” với giá thị trường nhiều nhất trong khả năng có thể. Giá đất “tiệm cận giá thị trường” sẽ đem đến lợi ích thiết thực hơn cho người dân thuộc diện đền bù giải tỏa khi thực hiện các dự án, nhưng cũng sẽ là nỗi lo không nhỏ của các nhà đầu tư do chi phí vốn đội lên quá cao khi bảng giá mới được ban hành. Với các doanh nghiệp nhỏ, khó sẽ chồng thêm khó vì chi phí dành cho thủ tục đất đai trở nên quá cao khi họ muốn xây dựng nhà xưởng hoặc triển khai dự án kinh doanh liên quan đến đất đai, người dân nói chung cũng phải nộp tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất cao hơn hẳn so với trước… Và hơn thế, môi trường đầu tư của một địa phương có thể trở nên kém cạnh tranh hơn nếu chi phí cho đất đai quá lớn.

Ở chiều ngược lại, giá đất tăng gần hơn với giá thị trường thì ngân sách cũng có thêm khoản thu, đất đai của người dân cũng có giá trị hơn về mặt giấy tờ (hiện đang khá chênh lệch so với giá trị thật giao dịch trên thị trường). Đồng thời, đưa giá đất về gần với giá thực tế cũng là một cách gián tiếp sàng lọc các dự án đầu tư của doanh nghiệp, góp phần chọn lọc được những doanh nghiệp có năng lực thực sự - điều đang rất cần thiết trên thị trường hiện nay.

Rất khó để có một bảng giá đất làm “hài lòng” được tất cả các bên: người dân - Nhà nước - doanh nghiệp, song việc đưa bảng giá gần hơn với giá thực tế là điều cần làm, phải làm, trên cơ sở cân bằng tương đối lợi ích của các bên trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.    

Vi Lâm

Tin xem nhiều