Báo Đồng Nai điện tử
En

''Hậu nông thôn mới'', FTA và 4.0

08:02, 23/02/2020

"Không có điểm dừng nào trong xây dựng nông thôn mới" là một trong những thông điệp ấn tượng của tỉnh Đồng Nai sau chặng đường 10 năm dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước. Thông điệp này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của nông dân, doanh nghiệp nói riêng và đại bộ phận người dân nông thôn nói chung.

“Không có điểm dừng nào trong xây dựng nông thôn mới” là một trong những thông điệp ấn tượng của tỉnh Đồng Nai sau chặng đường 10 năm dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước. Thông điệp này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của nông dân, doanh nghiệp nói riêng và đại bộ phận người dân nông thôn nói chung.

Về cơ bản, sau một thập niên nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện, đến nay phải thừa nhận bộ mặt nông thôn đã thay đổi hoàn toàn. Hạ tầng đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế… được hoàn thiện và đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng lên đáng kể. Hơn nữa, những định hướng lớn về tương lai của cả ngành nông nghiệp cũng đã được xác định rõ: phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, “nhắm” vào công nghệ, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.

Trên thực tế, có một sự liên quan mật thiết giữa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thời kỳ “hậu nông thôn mới” với một nền kinh tế “mở” mà Việt Nam đã và đang theo đuổi thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Quá trình này cũng gắn bó chặt chẽ với những chuyển biến sâu sắc trong tập quán sản xuất nông nghiệp mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Ngày nay, người nông dân muốn tồn tại bằng chính mảnh đất của mình thì không thể không quan tâm đến việc nông sản của mình sẽ xuất đi đâu, vào thị trường nào, thị trường đó đã ký FTA nào với Việt Nam hay chưa và nông sản vào đó sẽ được áp mức thuế nào. Riêng với khâu sản xuất, cũng không thể vẫn làm theo kiểu cũ mà buộc phải quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao theo xu hướng thế giới để đáp ứng nhu cầu thị trường về cả giá bán lẫn chất lượng. Có làm thế thì nông sản mới bán được, nông dân mới giàu và mới có nguồn lực để tiếp tục chặng đường xây dựng nông thôn mới.

Với mối liên kết giữa “hậu nông thôn mới” - các FTA và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn nông dân cần nhanh chóng nhìn thẳng vào thực tế, nhanh chóng xác định đâu là cơ hội và đâu là những thử thách phải sớm vượt qua để tận dụng được những cơ hội đó. Cơ hội dĩ nhiên là những cơ hội bán hàng khắp các thị trường rộng lớn mà Việt Nam đã ký kết các FTA, cơ hội là sự tiếp cận dễ dàng hơn về thông tin, công nghệ, giải pháp cho sản xuất, cơ hội cũng là những “cánh cửa” mới mở ra cho sự liên kết, hợp tác để mỗi nông dân dù ở tận vùng sâu, vùng xa nào cũng có thể “chen chân” vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tuy vậy, “không có bữa ăn nào là miễn phí”, nếu sự chuẩn bị không đủ chu đáo thì cơ hội có thể nhanh chóng xoay chuyển thành những khó khăn bởi cuộc chơi toàn cầu là cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các quốc gia, trong đó có những quốc gia đã “đi trước” Việt Nam hàng chục năm về nông nghiệp. Và nếu nông dân Đồng Nai nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung “thua” trên sân chơi này, thì xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ tới sẽ hết sức khó khăn.

Vậy nên có thể nói, thời kỳ xây dựng “hậu nông thôn mới” chính là thời kỳ đầy cơ hội và thử thách, đòi hỏi sự thay đổi, thích nghi, phát triển phù hợp thì mới có thể thành công.      

Vi Lâm

Tin xem nhiều