Báo Đồng Nai điện tử
En

''Phép thử'' không mong muốn

09:03, 01/03/2020

Chiến tranh, dịch bệnh, căng thẳng chính trị, khủng hoảng thương mại... đều là những sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến mọi nền kinh tế trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc như hiện nay.

Chiến tranh, dịch bệnh, căng thẳng chính trị, khủng hoảng thương mại... đều là những sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến mọi nền kinh tế trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc như hiện nay. Một ổ dịch bùng lên tại một thành phố bình thường như Vũ Hán của Trung Quốc (hiện đã lan ra 64 quốc gia tại tất cả các châu lục trên thế giới) có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu một cách đáng kể.

Với kinh tế Việt Nam - một trong những nền kinh tế được đánh giá là có “độ mở” lớn nhất, thiệt hại ở thời điểm này là chưa thể tính toán cụ thể. Tuy nhiên, chỉ cần lắng nghe, quan sát một chút thì có thể thấy những tác động này là rất lớn. Tổng cục Du lịch Việt Nam mới đây đã đưa ra ước tính, chỉ trong 3 tháng tới, thiệt hại do dịch Covid-19 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD (doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2019 là trên 31 tỷ USD). Nếu dịch bệnh còn kéo dài, thất thu còn lớn hơn.

Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia như hiện nay, đặc biệt Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở thành tâm dịch mới của châu Á, dự báo những khó khăn ban đầu về xuất khẩu nói trên chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Điều mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Đồng Nai lo lắng nhất là khi dịch kéo dài, các nhà máy tại Trung Quốc, Hàn Quốc đóng cửa, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động kép: vừa không thể nhập khẩu đủ nguyên vật liệu để sản xuất các đơn hàng, vừa không thể xuất khẩu sản phẩm bởi các thị trường lớn nhất nhì như Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang đóng cửa để “căng mình chống dịch”. Và với kịch bản xấu hơn nữa là nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt ở các nước châu Âu (hiện đều đã xuất hiện nhiều ca bệnh tại các quốc gia Ý, Pháp, Áo, Hà Lan…) và nhất là Mỹ (hiện đã có ca tử vong đầu tiên do Covid-19) thì ngay tại 2 thị trường truyền thống rộng lớn này, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn rất lớn, thậm chí rơi vào khủng hoảng nếu các quốc gia này quyết định hạn chế giao thương để ngăn ngừa dịch bệnh.

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh lần này như một “phép thử” không mong muốn, song cũng là lúc đế doanh nghiệp nhìn nhận lại những điểm mạnh, điểm yếu của mình, xây dựng kế hoạch phản ứng nhanh trước các kịch bản có thể xảy ra. Trước mắt, tình trạng khan hiếm nguyên liệu xuất khẩu (do nguyên liệu sản xuất chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc) đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng tính toán tìm nguồn nguyên liệu thay thế, đặc biệt là nguồn từ thị trường nội địa. Vấn đề đa dạng thị trường xuất khẩu, tìm cách duy trì sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, tính toán kỹ càng hơn cho những đơn hàng sau… là những bài toán đòi hỏi giải quyết ngay trước mắt. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện ngay những biện pháp tức thời để hỗ trợ nền kinh tế vượt khó, với những chính sách thiết thực như: khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay với những doanh nghiệp thiệt hại do dịch bệnh, cùng ngồi lại, lắng nghe, giải quyết những khúc mắc, khó khăn của các ngành và có ngay các phương án dự phòng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất có thể những thiệt hại do Covid-19 gây ra cho nền kinh tế.      

Vi Lâm

Tin xem nhiều