Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác phải đi kèm với bảo vệ

10:05, 12/05/2020

Nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra hiện nay. Tại nhiều địa phương như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, trước đây người dân chỉ cần khoan giếng có độ sâu vài chục mét là có nước.

Nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra hiện nay. Tại nhiều địa phương như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, trước đây người dân chỉ cần khoan giếng có độ sâu vài chục mét là có nước. Còn hiện nay, nhiều giếng khoan vượt quá độ sâu cả trăm mét vẫn rất khó tìm được mạch nước ngầm. Thực tế này chính là “hồi chuông” cảnh báo về sự suy kiệt nguồn nước ngầm.

Nguồn nước ngầm có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống cũng như quá trình sản xuất của con người. Do đó, việc bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi suy cho cùng, nguồn nước, trong đó có nguồn nước ngầm là một dạng tài nguyên hữu hạn, nếu không có sự khai thác hợp lý đi đôi với các giải pháp bảo vệ, nguy cơ cạn kiệt là điều hiển nhiên.

Trước thực trạng suy kiệt nguồn nước ngầm đang xảy ra tại nhiều địa phương, những năm qua Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế việc khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên này.

Hiện nay, Sở TN-MT đã hoàn thành quan trắc mực nước và chất lượng nước ngầm tại 115 giếng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Đồng Nai cũng đã ban hành danh mục vùng cấm khai thác nước ngầm, vùng cấm xây mới công trình khai thác nước ngầm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm và bản đồ vùng cấm, vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước ngầm. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của địa phương trong mục tiêu bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm vẫn đang diễn ra. Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay năng lực cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được hơn 10% trên tổng diện tích cây trồng. Do đó, phần lớn nguồn nước tưới cho cây trồng hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước ngầm thông qua hệ thống giếng khoan, giếng đào.

Tượng tự, đối với nguồn nước sinh hoạt, nhiều nơi dù đã được cung cấp hệ thống nước máy nhưng người dân vẫn có xu hướng sử dụng nguồn nước ngầm khai thác qua hệ thống giếng để sử dụng nhằm giảm chi phí.

Đáng nói hơn, một số doanh nghiệp, là những cơ sở có mức tiêu thụ nước lớn, dù nguồn nước máy đã được cung cấp đến “tận cổng” nhưng vẫn cố tình sử dụng nước khai thác từ nguồn nước ngầm vì chi phí khai thác nước ngầm để sử dụng rẻ hơn so với nguồn nước máy.

Thực tế này đòi hỏi để có thể bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm, bên cạnh các giải pháp về mặt quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho cả sản xuất và sinh hoạt thì các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn đối với các cá nhân, tổ chức “chây ì” thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn nước ngầm. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phải kiên quyết đóng cửa giếng khai thác nước ngầm tại các khu vực đã được cung cấp nguồn nước máy. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan chức năng, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm yêu cầu này.

Vi Lâm

Tin xem nhiều