Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển đô thị hướng đến "đa mục tiêu"

10:07, 05/07/2020

Khác với những lĩnh vực khác trong đời sống, quy hoạch và phát triển đô thị đòi hỏi một sự tính toán căn cơ và một tầm nhìn xa, thậm chí đến hàng chục, hàng trăm năm sau.

Khác với những lĩnh vực khác trong đời sống, quy hoạch và phát triển đô thị đòi hỏi một sự tính toán căn cơ và một tầm nhìn xa, thậm chí đến hàng chục, hàng trăm năm sau. Người làm quy hoạch cần tính toán được tốc độ đô thị hóa, tăng dân số một cách cơ bản để “vẽ” nên những đô thị không những đáp ứng được nhu cầu sinh sống trước mắt mà còn có thể “gánh” được một lượng cư dân, nhà cửa, công trình phục vụ đời sống… phù hợp trong tương lai.

Chính vì vậy, việc tính toán mở rộng các đô thị hiện hữu nhằm giải bài toán áp lực dân số đến từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng được xem là hướng đi đúng đắn. Trên thực tế, ngay cả khi chính quyền không “nhắm” đến việc mở rộng đô thị, thì một cách tự nhiên, lượng dân cư từ các nơi đổ về các thành phố để làm việc, học tập, sinh sống… cũng sẽ làm hình thành nên các cộng đồng dân cư tự phát xung quanh trung tâm thành phố. Mà một khi đã hình thành tự phát thì thường kéo theo các đặc tính: lộn xộn, manh mún, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật… dẫn đến nhiều hệ lụy như kẹt xe, ngập nước, xây dựng trái phép tràn lan và làm phá vỡ không gian chung của các đô thị.

Vậy nên, “đi trước một bước”, tính toán sớm việc mở rộng đô thị bằng cách định hướng, xây dựng quy hoạch trước để hướng người dân đến việc sinh sống và chung tay xây dựng những khu vực đô thị mới ngăn nắp và có dấu ấn riêng. Đó là điều mà TP.Biên Hòa đã và đang nỗ lực làm trong các năm qua. Việc quy hoạch mở rộng đô thị Biên Hòa dựa trên mô hình phát triển không gian theo cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục quốc lộ 51 với hướng phát triển chính về phía Nam đã được tính toán từ năm 2014. Trong đó, 2 khu vực đô thị chính gồm khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc của đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (gồm các phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng).

Lựa chọn hướng Nam để phát triển đô thị mới, theo nhiều ý kiến, là một lựa chọn hợp lý bởi “siêu dự án” sân bay Long Thành cũng nằm trên hướng này, và cùng với các đô thị trong vùng, sẽ hình thành nên một chuỗi đô thị mới trong tương lai, đáp ứng được nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau này. Chuỗi đô thị này sẽ hướng đến đa mục tiêu: vừa đáp ứng được nhu cầu sinh sống, học tập, làm việc của người dân, vừa phát triển thành chuỗi đô thị dịch vụ sân bay, cảng, tài chính, kho vận… bao quanh sân bay, gần với TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương để cùng làm nên một vùng kinh tế trọng điểm xứng tầm.

Dĩ nhiên ở thời điểm này, còn rất nhiều điều mà TP.Biên Hòa nói riêng và tỉnh nói chung cần làm để góp phần hình thành một đô thị Biên Hòa hiện đại và phát triển bền vững trong tương lai, song một định hướng đúng và một tầm nhìn xa luôn là điều cần thiết.    

V.L

 

Tin xem nhiều