Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tính minh bạch

09:08, 25/08/2020

Sau hơn 5 năm triển khai thu phí các loại xe ô tô để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP.Biên Hòa theo hình thức BOT, đúng 13 giờ 30 ngày 24-8, Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (đặt tại Km1872 quốc lộ 1, TP.Biên Hòa) chính thức tạm dừng thu phí.

Sau hơn 5 năm triển khai thu phí các loại xe ô tô để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP.Biên Hòa theo hình thức BOT, đúng 13 giờ 30 ngày 24-8, Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (đặt tại Km1872 quốc lộ 1, TP.Biên Hòa) chính thức tạm dừng thu phí. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp có phương tiện đi qua trạm thu phí này.

Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, phí BOT hiện đang là chi phí chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Trong khi đó, Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai nằm trên trục giao thông quan trọng, là cửa ngõ phía Đông kết nối với TP.HCM nên lượng phương tiện lưu thông qua khu vực này rất lớn. Với khoảng 60 ngàn lượt phương tiện qua trạm, cao hơn nhiều lần so với những trạm thu phí khác trên cả nước, thì việc tạm dừng triển khai thu phí tại đây đã bớt đi một phần gánh nặng về chi phí mua vé qua trạm thu phí cho các chủ phương tiện.

Bên cạnh đó, việc tạm dừng hoạt động Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai đồng nghĩa với những nỗi lo về ùn tắc giao thông của tài xế tạm thời được giải tỏa. Đặc biệt, đối với những người dân sống hai bên cầu Đồng Nai thì giờ đây việc lưu thông đã thuận lợi, thông suốt. Những vấn đề về tiếng ồn, khói bụi, khí thải và tai nạn giao thông chắc chắn sẽ được giảm bớt so với trước đây.

Quan trọng hơn, việc tạm dừng thu phí tại trạm này như văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đến nay dự án đã cơ bản hoàn vốn. Đồng thời vẫn còn nhiều nội dung tồn tại, vướng mắc về lãi vay thời gian thi công của dự án chưa được Bộ GT-VT thỏa thuận quyết toán; nhà đầu tư dự án chưa cung cấp đầy đủ chứng từ giải ngân dự án; thời điểm tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu quy định tại hợp đồng dự án là tạm tính, chưa đủ căn cứ để điều chỉnh phương án tài chính.

Không chỉ riêng Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai mà thời gian qua, các trạm BOT tại một số địa phương trong cả nước có nhiều vấn đề như: thu quá thời hạn cho phép, đường hư hỏng nhưng vẫn thu, kẹt xe nhưng không xả trạm… Do đó, việc tạm dừng hoạt động của các trạm thu phí để các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra là rất cần thiết, góp phần làm tăng minh bạch hoạt động đầu tư BOT.

Có thể nói, việc thực hiện dự án BOT giao thông là cách thức đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, giảm chi và tăng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, để các trạm thu phí BOT giao thông hoạt động hiệu quả, đúng chủ trương, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế thì rất cần các bộ, ngành tiếp tục củng cố, ban hành hệ thống văn bản pháp luật, bộ tiêu chí chuẩn mực về một dự án BOT trong giao thông.

H.D

Tin xem nhiều