Báo Đồng Nai điện tử
En

Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

08:09, 14/09/2020

Theo Điều 73 Bộ luật Lao động, thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Theo Điều 73 Bộ luật Lao động, thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Mặc dù là văn bản thỏa thuận giữa các bên song nội dung thỏa thuận không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Không chỉ là cơ sở pháp lý chủ yếu để từ đó hình thành nên mối quan hệ lao động có tính tập thể, tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể còn tạo điều kiện để người lao động có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với những quy định trong pháp luật. Chính vì vậy, việc thương lượng với chủ doanh nghiệp trong việc đạt được những điều khoản thỏa thuận có lợi cho người lao động luôn được các cấp Công đoàn quan tâm và tìm giải pháp thực hiện hiệu quả.

Là tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp với số lượng người lao động lớn, đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động luôn được các cấp Công đoàn đặc biệt chú trọng. Trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức Công đoàn đặt ra hằng năm là tăng về số lượng và nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Bởi chỉ khi các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động mới được đảm bảo, từ đó tạo ra mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng toàn tỉnh đã ký mới được 75 bản thỏa ước lao động tập thể, đạt 88% so với kế hoạch đề ra. Như vậy, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có 1.193 bản thỏa ước lao động tập thể/1.545 doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở. Đây là một nỗ lực rất lớn của tổ chức Công đoàn trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.

Đáng chú ý là nhờ khả năng thuyết phục, thương lượng của nhiều cán bộ Công đoàn, không ít bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết lại đã có những điều khoản có lợi hơn luật định dành cho người lao động. Cụ thể như: về các chế độ nghỉ ngơi, phụ cấp, hỗ trợ nuôi con nhỏ, thuê nhà, bữa ăn giữa ca… Người lao động cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi được làm việc trong một môi trường mà các chế độ lương, thưởng, phúc lợi được đảm bảo, đời sống được quan tâm, chăm lo, từ đó thêm gắn bó, đồng hành, cống hiến hết mình vì sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp.

Tất nhiên, để hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, đòi hỏi Công đoàn cơ sở phải gần gũi, sâu sát và nắm được tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu từ hai phía. Chỉ khi có sự chủ động, am hiểu luật và các quy định liên quan cùng kỹ năng đối thoại, thương lượng tốt thì các bản thỏa ước lao động tập thể mới thực sự chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của cả doanh nghiệp và người lao động. Nhiệm vụ này là khá nặng nề nhưng lại là yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực, vai trò, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong hoạt động hiện nay, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

 Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều