Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận diện những rủi ro để phòng, tránh

10:10, 18/10/2020

2 năm nay, cứ đầu năm học mới, ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai lại liên tiếp xảy ra những tai nạn thương tích cho học sinh, khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng...

2 năm nay, cứ đầu năm học mới, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai lại liên tiếp xảy ra những tai nạn thương tích gây nguy hiểm đến tính mạng của học sinh khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng trước những nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi đến trường.

Một học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (H.Trảng Bom) ngồi trượt tay vịn cầu thang bị té tử vong (Ảnh cắt từ clip do camera nhà trường ghi lại)
Một học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (H.Trảng Bom) ngồi trượt tay vịn cầu thang bị té tử vong (Ảnh cắt từ clip do camera nhà trường ghi lại)

[links()]Nếu như đầu năm học 2019-2020 nổi lên sự mất an toàn đối với xe đưa đón học sinh, thì đầu năm học 2020-2021 lại là các vụ đổ cổng trường, sập tường rào, trượt lan can cầu thang té ngã... Qua đó cho thấy, bên cạnh nỗi lo về tai nạn giao thông cũng còn có không ít mối nguy hiểm có thể gây ra tai nạn thương tích cho học sinh. Ngoài các vụ việc nói trên, mối nguy hiểm còn có thể đến từ những việc rất đơn giản như: cống thoát nước mất nắp trước cổng trường; việc để sàn nhà ướt thiếu bảng cảnh báo..., hay những tai nạn thường xảy ra như: bỏng nước sôi, điện giật, đuối nước...

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính của các vụ tai nạn thương tích xảy ra cho học sinh trong thời gian qua đều do người lớn chủ quan, thiếu cảnh giác; còn học sinh thiếu kỹ năng nhận diện những nguy hiểm rủi ro và thiếu kỹ năng thoát nạn. Thực tế, phần lớn các vụ tai nạn thương tích cho học sinh đều có thể phòng ngừa được nếu nhà trường, gia đình, thầy cô, người trực tiếp chăm sóc trẻ thận trọng, nhìn ra những nguy cơ mất an toàn để chủ động phòng tránh.

Do đó, trong thời gian tới, việc thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời chỉnh sửa và cảnh báo những điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích tại các trường học phải là việc làm thường xuyên, liên tục mà ban giám hiệu nhà trường, thầy cô, phụ huynh phải làm mỗi ngày để hạn chế thấp nhất những rủi ro cho học sinh. Riêng đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, cần có sự quan tâm chú ý đặc biệt của giáo viên, vì chỉ một phút lơ là, bất cẩn, hậu quả sẽ khó lường.

Điều quan trọng để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ là gia đình và nhà trường phải hướng dẫn cho con em, học sinh của mình nhận diện những mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích ở nhà và ở trường; cũng như rèn luyện cho các em kỹ năng phòng tránh, thoát hiểm, tự bảo vệ mình.

Để làm được điều này, ngành GD-ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường học; cần nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay trong phòng, chống tai nạn thương tích đối với học sinh. Có như vậy, việc thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường học mới đi vào thực chất; hạn chế tình trạng làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc chung tay xây dựng môi trường giáo dục thực sự an toàn.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều