Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trách nhiệm, giảm tai nạn giao thông

08:11, 30/11/2020

Từ khi khởi công xây dựng dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây (đầu năm 2017) đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người chết và 11 người bị thương. Một trong những nguyên nhân chính là thi công không đảm bảo an toàn.

Từ khi khởi công xây dựng dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây (đầu năm 2017) đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người chết và 11 người bị thương. Một trong những nguyên nhân chính là thi công không đảm bảo an toàn. Mục tiêu của dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây là giải quyết “điểm đen” ùn tắc giao thông nhưng hiện tại, khu vực này lại trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.

Hiện dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây chậm trễ hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu. Theo chủ đầu tư dự án, nguyên nhân công trình này chậm tiến độ là do thiếu vốn khi kinh phí đội lên cả trăm tỷ đồng so với dự toán. Công trình càng thi công chậm trễ, kéo dài, người dân càng lo lắng trước nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập ở khu vực này và cuộc sống của người dân ven đường tiếp tục bị xáo trộn.

Thực trạng nói trên không chỉ khiến cho người dân khu vực ngã tư Dầu Giây mà cả chính quyền địa phương “đau đầu”.  H.Thống Nhất đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm giải pháp đảm bảo an toàn cho việc thi công dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây. Số vụ tai nạn giao thông có được kéo giảm theo từng năm nhưng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết người vẫn còn xảy ra.

Sự lo lắng của chính quyền và người dân ở H.Thống Nhất là có cơ sở, nhất là trong thời điểm cuối năm, lưu lượng xe cộ lưu thông qua “cửa ngõ” ngã tư Dầu Giây để đi các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc, tỉnh Lâm Đồng và ngược lại là rất lớn. Nếu không rốt ráo tìm các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực này, sẽ khó có thể hạn chế, ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do sự thi công bất cẩn, thiếu trách nhiệm.

Một trong những giải pháp cấp bách hàng đầu chính là tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, từ chủ đầu tư đến các đơn vị thi công trong việc tích cực huy động các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công; nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thi công.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát công trình thi công; xử lý nghiêm các đơn vị thi công không đảm bảo an toàn theo quy định;  có chế tài xử lý theo hình thức tăng nặng đối với đơn vị thi công thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm; rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung như: thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công.

 Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị thi công nào để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người.

Để đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực ngã tư Dầu Giây, trách nhiệm của chính quyền, công an địa phương cũng rất quan trọng trong việc cảnh báo, nhắc nhở, đôn đốc đơn vị thi công khắc phục ngay những điểm thi công gây mất an toàn giao thông; tham gia điều tiết, giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; đồng thời người dân, các phương tiện lưu thông qua đây cần giảm tốc độ, chú ý quan sát để tự phòng tránh những va chạm, ùn tắc giao thông.

Trong thời gian chờ dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây hoàn thành, hiện nay, các giải pháp về phòng ngừa tai nạn giao thông phải được ưu tiên hàng đầu.

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều