Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều giải pháp cho nhiệm vụ khó khả thi

03:12, 16/12/2020

Cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội quốc gia nhằm chăm sóc sức khỏe cho người tham gia khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật.

Cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội quốc gia nhằm chăm sóc sức khỏe cho người tham gia khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Những năm qua, chính sách này luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều giải pháp để thuyết phục, vận động nhân dân trang bị BHYT, nhất là với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 11-2020, cả nước có 86,35 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số. Mặc dù số người tham gia BHYT đã tăng 418,6 ngàn người so với cuối năm 2019, nhưng tỷ lệ bao phủ này hiện còn thấp so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2020 là 90,7% dân số. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay đến cuối năm 2020, toàn ngành BHXH sẽ phải phát triển thêm trên 1,7 triệu người tham gia BHYT mới đạt chỉ tiêu được giao.

Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, hiện cả nước có 23 tỉnh, thành có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn chỉ tiêu được giao; 40 địa phương còn lại có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp hơn chỉ tiêu được giao. Đồng Nai là một trong số 40 tỉnh, thành có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn so với chỉ tiêu được giao khoảng 8,4%. Toàn tỉnh hiện có hơn 2,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số toàn tỉnh, trong khi chỉ tiêu được giao là 90,7%. Như vậy, trong nửa tháng còn lại của năm 2020, Đồng Nai phải phát triển được hơn 120 ngàn thẻ BHYT mới hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo BHXH tỉnh thừa nhận đây là một nhiệm vụ khó khả thi, bởi thời gian còn lại để thực hiện nhiệm vụ này quá ngắn; đồng thời những tác động của dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến “sức khỏe” doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn buộc phải cắt giảm lao động, không thực hiện đầy đủ được các chế độ, chính sách dành cho người lao động. Bản thân người lao động vì nguồn thu nhập sụt giảm đã không tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, thậm chí đã xảy ra tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

Việc vận động nhân dân tham gia BHYT hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là với những hộ gia đình không có việc làm ổn định, mất thu nhập bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngành BHXH đang quyết tâm, dồn toàn lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp như thuyết phục người dân hiểu và tích cực tham gia BHYT; vận động các tổ chức, cá nhân mua thẻ BHYT tặng người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Tất cả những giải pháp này đều với hy vọng tăng thêm số người tham gia BHYT để đến hết năm 2020, có thể chỉ tiêu được giao không hoàn thành nhưng sẽ có thêm nhiều người dân hơn nữa bớt được nỗi lo về chi phí khám chữa bệnh khi chẳng may bị bệnh tật.

M.N

Tin xem nhiều