Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của người dạy, người học

08:12, 27/12/2020

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành vấn đề được bàn luận nhiều, đồng tình cũng có mà phản đối cũng không ít. Thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh cần được đáp ứng.

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành vấn đề được bàn luận nhiều, đồng tình cũng có mà phản đối cũng không ít. Thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh cần được đáp ứng. Tuy nhiên cũng có những lo ngại tình trạng học sinh vì không học thêm mà bị giáo viên “đì”, chịu thiệt thòi hơn những học sinh tham gia học thêm...

Chính vì những lo ngại đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm, nhất là dạy thêm, học thêm ngoài trường học. Từ năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó quy định rõ: hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm…

Thông tư cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm và tổ chức dạy thêm, trong đó không được dạy thêm đối với những học sinh đã học 2 buổi/ngày hay với học sinh tiểu học; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được dạy thêm. Tháng 8-2019, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực một số điều trong Thông tư 17. Từ thời điểm này, các hoạt động tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép và gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường đều dừng lại, chờ quy định mới. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các trường hợp dạy thêm, học thêm hiện nay đều là không phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã không được cấp phép mới nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra… bình thường. Giáo viên không thể ngưng giảng dạy vì vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh, nhất là những học sinh đang học cuối cấp trong việc nâng cao kiến thức, vừa có thêm nguồn thu nhập cho bản thân. Phần lớn giáo viên đều mong muốn Bộ GD-ĐT nhanh chóng ban hành quy định mới cho phép tổ chức việc dạy thêm, học thêm để yên tâm giảng dạy. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều phụ huynh hiện nay khi muốn gửi gắm con em mình vào lớp học thêm của các thầy, cô giáo.

Dạy thêm, học thêm không xấu. Vấn đề là ở chỗ quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào cho hiệu quả để đáp ứng được nhu cầu của cả người dạy và người học, nhất là khi chương trình trong trường phổ thông còn dàn trải, nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức cho học sinh ngày càng tăng như hiện nay...

M.N

 

Tin xem nhiều