Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người lao động yên tâm…

08:10, 26/10/2021

Đúng như dự báo của các chuyên gia lao động - việc làm, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai, sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.

Đúng như dự báo của các chuyên gia lao động - việc làm, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai, sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều lao động trong thời gian nghỉ việc do thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch đã về quê, chưa muốn quay lại để tiếp tục làm việc. Một số khác do chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, sức khỏe không đảm bảo nên còn thiếu điều kiện để được nhận trở lại làm việc. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 92% DN hoạt động trở lại với tỷ lệ “phủ” lao động đạt gần 80%.

Dự báo, từ hiệu quả của công tác kiểm soát dịch bệnh cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, số DN hoạt động trở lại và thành lập mới có khả năng gia tăng là điều kiện giúp nền kinh tế từng bước phục hồi. Đây cũng là thời điểm mà thị trường lao động khởi sắc với nhu cầu tuyển dụng tăng cao, nhiều cơ hội việc làm với thu nhập tốt đang chờ người lao động (NLĐ).

Hiện nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn lao động nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng cuối năm; đồng thời, chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2022. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn dù DN đã tăng cường các hoạt động kết nối, tuyển dụng cũng như cam kết thực hiện những chế độ, chính sách phúc lợi chăm lo cho NLĐ.

Để cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN, lãnh đạo tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, hỗ trợ tối đa NLĐ và DN. Trong đó, ưu tiên việc đón những lao động đã về quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên… trở lại làm việc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ an sinh của Nhà nước và của tỉnh cho NLĐ, đồng thời tăng cường các kênh kết nối cung - cầu lao động.

Một giải pháp cũng được tỉnh chú trọng đó là đổi mới hoạt động đồng hành của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, NLĐ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó kịp thời có những chính sách hỗ trợ. Thực tế từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 vừa qua cho thấy, vai trò của tổ chức Công đoàn có lúc, có nơi còn chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến việc chưa nắm bắt và định hướng kịp thời cho NLĐ. Nhiều lao động vì không tìm được “điểm tựa”, sau khi bị mất việc hoặc tạm ngừng việc đã tự phát về quê mà không hề nghĩ đến lợi ích lâu dài. Do đó, hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, khi hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đã dần trở về trạng thái bình thường, DN hoạt động trở lại, cơ hội việc làm rộng mở, NLĐ càng phải được hỗ trợ nhiều hơn để yên tâm quay lại làm việc.

Về lâu dài, NLĐ rất cần một chính sách chăm lo bền vững, giúp họ gắn bó lâu dài với quê hương thứ 2 của mình. Ngoài việc làm đảm bảo với thu nhập ổn định, chế độ phúc lợi tốt thì nhà ở, trường học, thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí hay những hỗ trợ về vốn, đào tạo… sẽ là động lực to lớn giúp NLĐ vững tin, sẵn sàng đồng hành, sẻ chia với DN, địa phương trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều