Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng bộ các giải pháp phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

03:07, 15/07/2022

Từ ngày 1-7-2022, TP.Biên Hòa triển khai chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho toàn thành phố nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, giảm thiểu đáng kể khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp hằng ngày, góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững.

Từ ngày 1-7-2022, TP.Biên Hòa triển khai chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho toàn thành phố nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, giảm thiểu đáng kể khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp hằng ngày, góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững.

Hiện nay, không chỉ TP.Biên Hòa mà nhiều đô thị lớn khác trên cả nước như: Hà Nội, TP.HCM... cũng đang không ngừng nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường. Để đạt được mục tiêu nêu trên, khâu phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được thực hiện trước tiên.

Thực tế, chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở TP.Biên Hòa là một hoạt động không mới vì đã từng được thành phố triển khai thí điểm tại một số phường từ năm 2008, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Một số nguyên nhân chính khiến chương trình không duy trì được là do còn nhiều hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện như: việc phân loại rác vẫn chưa được người dân thực hiện triệt để; việc thu gom, xử lý vẫn còn nhiều bất cập cả về thời gian, nhân lực, phương tiện thu gom và quá trình xử lý...

Do đó, việc triển khai lần này với quy mô lớn hơn, rộng hơn chắc chắn sẽ có nhiều thách thức, khó khăn nên cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, căn cơ hơn mới có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải của một thành phố đông dân như Biên Hòa. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn thì cũng cần có những hành động cụ thể khác hỗ trợ người dân như: cung cấp các thùng phân loại rác (đối với các hộ dân có yêu cầu); đổi mới phương tiện thu gom rác để có thể thu gom 2 loại rác khác nhau (rác hữu cơ và rác tái chế). Vì nếu xe chở rác gom chung rác lên một xe thì việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cũng không còn ý nghĩa...

Thời gian đầu triển khai phân loại rác tại nguồn cần có sự vận động, giám sát, nhắc nhở của tổ trưởng tổ dân phố. Nếu hộ dân nào không chấp hành thì phải nhắc nhở trước khu dân cư. Sau đó, tiến tới xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

Song song với hoạt động phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, TP.Biên Hòa cũng cần quan tâm hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải, nhất là việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động xử lý rác thải để gia tăng lượng rác được tái chế và tái sử dụng.

Với những giải pháp tổng thể, quyết liệt nêu trên mới có thể hy vọng chương trình phân loại rác thải rắn tại nguồn ở TP.Biên Hòa đạt được mục tiêu như mong muốn, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm do lượng rác thải khổng lồ được thải ra mỗi ngày, hướng đến phát triển và bảo vệ môi trường bền vững.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều