Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi để nhận về trái ngọt

03:08, 17/08/2022

Những năm gần đây, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ cách cũ (sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học) sang sản xuất theo hướng hữu cơ trở thành chủ đề "nóng" trên các diễn đàn.

Những năm gần đây, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ cách cũ (sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học) sang sản xuất theo hướng hữu cơ trở thành chủ đề “nóng” trên các diễn đàn. Rất nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến khích nông dân thay đổi tư duy, “dám” từ bỏ phương thức sản xuất cũ (vốn đang bộc lộ nhiều vấn đề) sang cách sản xuất mới hơn, sạch hơn và về lâu dài sẽ hiệu quả hơn.

Cần làm rõ, sản xuất “theo hướng” hữu cơ không phải là sản xuất ra nông sản “đạt chuẩn” hữu cơ. “Theo hướng hữu cơ” được coi là bước đệm cần thiết để người nông dân thay đổi từ từ và đến lúc nào đó nông sản “đạt chuẩn” hữu cơ không còn là chuyện ngoài tầm với của đa số nông dân nữa. Điều này dĩ nhiên không thể diễn ra trong một sớm một chiều, bởi nó còn lệ thuộc nhiều yếu tố, song rõ ràng có “hướng” còn hơn là mãi mãi không dám thay đổi một điều gì.

Một trong những cách hiểu phổ biến của việc sản xuất theo hướng hữu cơ là các mô hình nông dân dùng vi sinh tận dụng nguyên liệu là rác sinh hoạt hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp làm phân bón, thuốc sinh học trong sản xuất, giải quyết được vấn đề dư lượng khi lạm dụng thuốc, phân hóa học nên cho ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ và ai cũng có thể ứng dụng. Đồng Nai cũng đang khuyến khích nông dân thay đổi cách sản xuất cũ sang hướng mới này. Toàn tỉnh hiện có 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất cho hơn 200ha cây ăn trái, rau màu, hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Trong bối cảnh vật tư đầu vào ngành Nông nghiệp đang tăng rất cao do đứt gãy các chuỗi cung ứng (dịch bệnh, căng thẳng chính trị…), đây còn là “lối thoát” của không ít nông dân vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất và dễ ứng dụng.

Mặc dù vậy, để chuyển hướng một cách đại trà, cần sự định hướng rõ ràng hơn về chính sách, các chương trình chia sẻ, tập huấn, hướng dẫn… cho nông dân để có những hiểu biết chuyên sâu, lâu dài hơn về hướng đi này.

Trên nhiều diễn đàn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân cần chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học vào sản xuất để tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%. Bộ NN-PTNT có trách nhiệm cung cấp các mô hình này, đánh giá, so sánh giữa sản xuất theo mô hình truyền thống và mô hình mới cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ nông dân khi chuyển đổi sản xuất.

"Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều giá phải trả cho sự thay đổi nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại nghị trường Quốc hội vào kỳ họp giữa tháng 6 vừa qua, khẳng định thêm rằng nông dân cần phải thay đổi ngay từ hôm nay để mai sau nhận về “trái ngọt”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều