Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần một chính sách đồng bộ trong giáo dục

07:03, 11/03/2023

Tình trạng thiếu giáo viên không phải là chuyện mới mẻ của ngành Giáo dục mà nó đã tồn tại từ hàng chục năm nay và cứ mỗi năm học đến thì điệp khúc thiếu giáo viên lại được nhắc đến. Tình trạng đó cũng không ngoại lệ với ngành Giáo dục Đồng Nai.

Tình trạng thiếu giáo viên không phải là chuyện mới mẻ của ngành Giáo dục mà nó đã tồn tại từ hàng chục năm nay và cứ mỗi năm học đến thì điệp khúc thiếu giáo viên lại được nhắc đến. Tình trạng đó cũng không ngoại lệ với ngành Giáo dục Đồng Nai.

Là địa phương có ngành công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu của cả nước, Đồng Nai thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Từ đây, việc chăm lo các vấn đề an sinh xã hội cho người dân là một nhiệm vụ không hề đơn giản của chính quyền địa phương, trong đó có việc chăm lo trường lớp, giáo viên cho con em lao động nhập cư.

Thực tế thời gian qua, việc đảm bảo trường lớp và giáo viên vào mỗi năm học đối với Đồng Nai không phải dễ dàng. Áp lực đảm bảo về giáo viên, trường lớp để học sinh có đủ lớp học, không phải học ca ba càng tăng lên khi số con em của lao động ngoại tỉnh càng tăng và nhiều năm nay vấn đề này thực sự là bài toán khó chưa thể giải quyết ngay được. Những khó khăn đó không phải xuất phát từ sự thiếu quan tâm của tỉnh hay ngành Giáo dục Đồng Nai mà nó xuất phát ở nơi cao hơn, bắt đầu từ các chương trình giáo dục còn những bất cập của Bộ GD-ĐT.

Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành Giáo dục trong việc tìm tòi đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong thời gian qua, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những chương trình mà ngành Giáo dục triển khai thời gian qua cho thấy rõ sự bất cập, thiếu đồng bộ… Và chính điều đó đã gây khó khăn cho các địa phương, các trường học. Những người phải gánh chịu hậu quả cuối cùng lại là học sinh.

Như tại Đồng Nai, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh thiếu cả ngàn giáo viên. Đặc biệt là giáo viên các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Để giải quyết tình trạng này, một số trường đã linh động hợp đồng với những người có chuyên môn hoặc giáo viên ở trường khác dạy cho học sinh trường mình. Nhưng con số này không nhiều và chỉ mang tính chất tạm thời, trong khi nguồn tuyển dụng chính thức thì rất khó.

Đó còn là chưa nói đến việc áp dụng các môn học tích hợp (ở bậc THCS) dẫn đến việc một giáo viên phải dạy nhiều môn, trong khi hầu hết giáo viên được đào tạo và quá trình giảng dạy chỉ gắn với 1 môn học nhất định; khi buộc phải dạy môn tích hợp thì kiến thức của giáo viên sẽ không chuyên sâu, ảnh hưởng đến chất lượng của việc dạy và học.

Tình trạng thiếu giáo viên có thể sẽ còn tiếp diễn ở các năm học tới khi các khối lớp áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tăng lên, trong khi sinh viên sắp tốt nghiệp ở các trường sư phạm hiện chưa được đào tạo trở thành giáo viên dạy môn tích hợp. Trong khi đó, tình trạng thừa giáo viên đơn môn lại xảy ra.

Để giải quyết tình trạng này cần có một giải pháp đồng bộ từ gốc đến ngọn. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt có thể là tăng cường đào tạo, tuyển dụng giáo viên đảm bảo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới bằng các chính sách thu hút; đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên liên môn, từ đó khắc phục dần tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét kỹ khi thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục hiện còn thiếu thốn giáo viên như Đồng Nai hiện nay.        

           Phạm Mai

 

Tin xem nhiều