Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò của hòa giải viên lao động

10:11, 07/11/2019

Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên lao động đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể xảy ra.

Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên lao động đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể xảy ra.

Hòa giải viên thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch Phan Thị Hiếu (bên trái) đang tiến hành công tác hòa giải. Ảnh: H.Thảo
Hòa giải viên thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch Phan Thị Hiếu (bên trái) đang tiến hành công tác hòa giải. Ảnh: H.Thảo

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết, đội ngũ hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh hiện có 39 người. Hầu hết họ là những người am hiểu về pháp luật lao động, có ít nhất 3 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan giúp giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

* Giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp lao động

Bà Andrea Prince, Cố vấn trưởng dự án NIRF về thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (do Bộ Lao động - thương binh và xã hội và ILO phối hợp triển khai) cho biết: “Theo nghiên cứu của Bộ Lao động - thương binh xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam hiện hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Mặc dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và cải thiện song vẫn chưa giải quyết triệt để và hiệu quả được tình trạng tranh chấp lao động. Cải thiện hệ thống giải quyết tranh chấp lao động không chỉ đảm bảo sự công bằng xã hội và quyền con người trong lao động mà còn giúp các DN phát triển ổn định, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút được các nguồn đầu tư ”.

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 31-10-2019, các hòa giải viên lao động của tỉnh đã giải quyết 57 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể tại 57 doanh nghiệp (DN) có sự tham gia của 31.580/55.495 lao động, trong đó 48 vụ xảy ra tại DN có vốn đầu tư nước ngoài và 9 vụ tại DN có vốn trong nước.

Các cuộc tranh chấp lao động xảy ra đều không đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật mà chủ yếu do người lao động (NLĐ) tự phát.

Nội dung tranh chấp lao động chủ yếu liên quan đến các vấn đề về việc điều chỉnh tiền lương, tiền thưởng; chính sách đánh giá hiệu quả công việc; tổ chức làm thêm giờ quá quy định và chưa thỏa thuận với NLĐ...

Về tranh chấp lao động cá nhân, từ đầu năm 2018 đến ngày 31-10-2019, hòa giải viên lao động đã tham gia giải quyết 689 vụ tranh chấp lao động cá nhân, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa phương như: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành... Số vụ hòa giải thành là 406 vụ (chiếm 59%), số vụ hòa giải không thành là 283 vụ (chiếm 41%). Các nội dung chủ yếu liên quan đến tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội và việc giải quyết các chế độ chính sách của DN, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật...

Hằng năm, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, cấp các tài liệu hỏi đáp, tờ rơi, tờ gấp chuyển tải kịp thời các quy định mới của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội đến các hòa giải viên lao động... Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ làm công tác quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

* Còn nhiều khó khăn

Ông Phạm Văn Cộng đánh giá: “Nhìn chung, lực lượng hòa giải viên lao động hiện nay của tỉnh cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể, lực lượng hòa giải viên lao động tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động năm 2012, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện trong thực tế do các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra đều không đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật”.

Một buổi tập huấn kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ làm công tác quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Cục Quan hệ lao động và tiền lương tổ chức. Ảnh: H.Thảo
Một buổi tập huấn kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ làm công tác quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Cục Quan hệ lao động và tiền lương tổ chức. Ảnh: H.Thảo

Ông Đỗ Văn Tuyên, hòa giải viên thuộc địa bàn huyện Thống Nhất cho rằng, hầu hết các hòa giải viên lao động là cán bộ kiêm nhiệm của Phòng Lao động - thương binh và xã hội và Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố. Chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế khiến nhiều người không mặn mà tham gia công tác này. Việc tham gia các lớp tập huấn chưa thường xuyên, thời gian tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thường ngắn hạn... dẫn đến trình độ, kỹ năng của hòa giải viên ở nhiều nơi vẫn chưa thật sự đảm bảo.

Bà Phan Thị Hiếu, hòa giải viên lao động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện nay có nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động của hòa giải viên chưa được như mong đợi như: kinh phí hỗ trợ hoạt động cho hòa giải viên còn thấp, trong khi đó để một vụ hòa giải thành công đòi hỏi cần nhiều tâm huyết, công sức, thời gian để nghiên cứu và xử lý. Mặt khác, hiện nay hòa giải viên cũng chưa được tạo điều kiện tốt nhất về mặt vị thế để thuận lợi khi đến DN làm việc. “Nếu không đủ tâm huyết, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và chỉ cần có một chút tính toán về tiền bạc sẽ khó có thể thành công trong vai trò là một hòa giải viên” - bà Hiếu khẳng định.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết thêm, số lượng DN trên địa bàn ngày càng tăng; tình hình quan hệ lao động diễn biến ngày càng phức tạp nhưng số lượng hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Một số chủ DN chưa tích cực hợp tác hoặc cử người tham dự hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không đúng quy định. Một số trường hợp hòa giải thành nhưng DN chậm thực hiện hoặc không thực hiện theo các nội dung đã cam kết khi hòa giải. Một số DN nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lớn và kéo dài, gây khó khăn cho hòa giải viên trong quá trình thương lượng, thỏa thuận giải quyết các quyền lợi của NLĐ.

Ông Phạm Văn Cộng cho hay, theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3-9-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, trong đó có nội dung sắp xếp đội ngũ hòa giải viên và trọng tài viên lao động, thời gian tới, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh và chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của hòa giải viên, trọng tài lao động trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động.

Ông Nguyễn Xuân Tường, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động - thương binh và xã hội): Tham mưu chế độ đãi ngộ phù hợp

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3-9-2019 của Ban Bí thư, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đặt ra mục tiêu tới đây phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên lao động để có đủ số lượng và chất lượng tham gia vào giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới. Bộ sẽ xây dựng các nội dung chương trình tập huấn và tổ chức đào tạo bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ. Tổ chức thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động với việc bố trí một số hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chuyên trách tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm theo hướng vừa thực hiện giải quyết tranh chấp, vừa hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Tham mưu nghiên cứu đề xuất chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích người có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín tham gia làm hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động, bảo đảm các tranh chấp lao động được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đúng pháp luật.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều