Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi ích từ thỏa ước lao động tập thể

10:02, 10/02/2020

Theo các cán bộ công đoàn, doanh nghiệp (DN), việc ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể sẽ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tạo ra nhiều lợi ích kép cho DN và NLĐ.

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm đó là tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).

Đại diện doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) trò chuyện, nắm bắt nguyện vọng người lao động tại xưởng sản xuất. Ảnh: L.Mai
Đại diện doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) trò chuyện, nắm bắt nguyện vọng người lao động tại xưởng sản xuất. Ảnh: L.Mai

Theo các cán bộ Công đoàn, doanh nghiệp (DN) ký kết và thực hiện tốt TƯLĐTT không chỉ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định mà còn tạo ra nhiều lợi ích kép cho DN và NLĐ.

* Lợi ích hai phía

 Hằng năm, NLĐ tại Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (TP.Biên Hòa) được hưởng một suất tham quan du lịch tại các điểm du lịch trong nước, chi phí được công ty đài thọ 100%. Đây là một trong những nội dung trong TƯLĐTT được DN ký kết và thực hiện nghiêm túc nhiều năm nay. Ngoài ra, DN còn thưởng chuyên cần 400 ngàn đồng/người/tháng, thưởng năng suất, tiến độ công việc, hỗ trợ tiền đi lại, card điện thoại, thưởng NLĐ gắn bó lâu dài, thăm ốm đau, thai sản hằng tháng... Nhờ những chính sách trên, ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết NLĐ đều trở lại làm việc, gắn bó với DN.

Anh Hồ Khương, nhân viên đào tạo tại công ty cho biết: “Gần 7 năm gắn bó với DN, tôi cảm thấy hài lòng với những chính sách thỏa đáng và quyền lợi đảm bảo tại DN. Đặc biệt, chủ DN đã dành thời gian lắng nghe kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng và giải đáp thấu đáo cho công nhân. Đó là điều chúng tôi thấy mình được tôn trọng để cống hiến nhiều hơn”.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, năm 2020 Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lại các bản TƯLĐTT đã ký và hết hạn có nội dung còn sơ sài, mang tính hình thức để yêu cầu các CĐCS xem xét, đôn đốc các DN ký lại, thêm các nội dung phù hợp và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách trong thỏa ước nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Cùng với đó, các cấp Công đoàn tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thương lượng, đối thoại cho cán bộ Công đoàn.

Tại Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) với sự nhanh nhạy và kỹ năng thương thảo của cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS), hơn 6 ngàn công nhân làm việc tại đây đều được hưởng nhiều chính sách có lợi, cao hơn so với luật quy định như: phụ cấp xăng xe, đi lại 300 ngàn đồng/ người/tháng, nhà ở 300 ngàn đồng/người/tháng.

Ngoài ra có thưởng cuối năm, phụ cấp nuôi con nhỏ, lao động nữ mang thai được giảm một giờ làm việc vẫn được tính lương bình thường, NLĐ được tăng thêm 5-7% tiền thâm niêm tùy theo vị trí việc làm. Hằng năm, công ty hỗ trợ kinh phí để CĐCS tổ chức hội thao, ngày hội gia đình công nhân, du lịch nghỉ mát...

Theo Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam Mai Thị Hương, để có bản thỏa ước hài lòng NLĐ, Công đoàn đã phân tích cho chủ DN thấy lợi ích khi ký TƯLĐTT sẽ góp phần nâng cao chất lượng công việc, trách nhiệm cũng như quyền lợi cụ thể của NLĐ. Từ đó sẽ tránh được các tác động khách quan, gây bất hòa, tranh chấp lao động. “Chúng tôi đưa ra những dẫn chứng cụ thể thuyết phục DN hiểu mong muốn của NLĐ. Khi cuộc sống của NLĐ ổn định, họ sẽ tận tâm làm việc, góp phần đưa DN ngày càng phát triển. Chính vì thế, ngoài thực hiện tốt các chế độ theo quy định, NLĐ được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác”- chị Hương chia sẻ.

Tương tự, tại Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP.Biên Hòa), bản TƯLĐTT được ký kết với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ so với luật quy định như: phụ cấp thâm niên làm việc 260 ngàn đồng/người/tháng, phụ cấp đi lại 200 ngàn đồng/ người/tháng, nhà ở 200 ngàn đồng/người/tháng...

Đại diện CĐCS công ty cho biết, Công đoàn đã chủ động nắm tình hình thực tế thu nhập, đời sống của NLĐ để tham mưu cho lãnh đạo DN làm căn cứ xây dựng TƯLĐTT. Mặt khác, vận động NLĐ nâng cao trách nhiệm với công việc và phân tích để họ hiểu được năng suất lao động mang lại lợi ích cho DN cũng như thu nhập cho mình. Với vai trò cầu nối, Công đoàn đã dự thảo bản thỏa ước để chủ DN và NLĐ nghiên cứu, ký kết với mục tiêu thỏa ước ra đời sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.

* Cần bản lĩnh của cán bộ CĐCS

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2019 đã có 336 bản TƯLĐTT ở những DN có tổ chức Công đoàn được ký kết, nâng số thỏa ước đã ký lên 1.394 bản/1.431 DN có tổ chức Công đoàn, đạt tỷ lệ trên 81%, cao hơn so với năm 2018.

Giá trị bữa ăn giữa ca của công nhân là nội dung quan trọng được Công đoàn cơ sở chú trọng thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Minh Thành, huyện Vĩnh Cửu trong giờ ăn giữa ca
Giá trị bữa ăn giữa ca của công nhân là nội dung quan trọng được Công đoàn cơ sở chú trọng thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Minh Thành, huyện Vĩnh Cửu trong giờ ăn giữa ca. Ảnh: L.Mai

Nếu như trước đây, nội dung các bản thỏa ước chủ yếu liên quan đến phúc lợi như: hiếu hỉ, hỗ trợ ốm đau, khó khăn, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao… thì đến nay đã tập trung nhiều hơn đến các nội dung như: tăng tiền lương, thu nhập, các nội dung trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, bữa ăn ca của NLĐ, thêm thời gian nghỉ có hưởng lương trong năm, nghỉ ngắn giữa giờ làm việc… Tuy nhiên, chất lượng một số bản thỏa ước vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự đáp ứng mong muốn và quyền lợi của NLĐ. Nhiều bản thỏa ước đã hết hạn vẫn chưa được DN quan tâm ký lại.

Theo các cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở, hiện vẫn còn nhiều chủ DN không muốn ký kết TƯLĐTT vì lo ngại bị ràng buộc trách nhiệm với NLĐ. Bên cạnh đó, cũng có DN cho rằng, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ là ổn, không cần phải ký TƯLĐTT. Trong khi đó, cán bộ CĐCS hầu hết kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động Công đoàn rất hạn chế. Điều này dẫn tới việc nhiều CĐCS chưa tích cực, chủ động trong việc đưa ra yêu cầu để thương lượng, ký kết thỏa ước.

Ngoài ra, nhiều cán bộ CĐCS còn hạn chế về năng lực, kỹ năng đàm phán, thương lượng với chủ DN. Do đó, để nâng cao số lượng và chất lượng các bản thỏa ước, cán bộ CĐCS phải năng động, khéo léo, hiểu và chia sẻ để tác động DN tổ chức các buổi đối thoại, ghi nhận nguyện vọng của NLĐ và giải đáp kịp thời. Những nội dung thỏa thuận thành công phải đưa vào TƯLĐTT để NLĐ yên tâm làm việc.

Công nhân Nguyễn Thị Hạnh, làm việc tại Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay: “Vào làm việc tại DN, tôi luôn mong muốn có việc làm, thu nhập và quyền lợi đảm bảo, được DN tôn trọng và ghi nhận công sức. Đó là điều kiện và động lực để mỗi công nhân tận tâm, tận lực cùng DN phát triển, ổn định sản xuất”.

Thực tế, ở những DN không tham gia ký TƯLĐTT, đa số NLĐ ít được chăm lo đời sống chu đáo; các quyền lợi chính đáng thường bị DN “phớt lờ” hoặc chậm trễ thực hiện nên thường xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Chính những cuộc tranh chấp lao động tập thể đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, sự phát triển ổn định của DN. Vì vậy, đòi hỏi mỗi CĐCS nhạy bén tận dụng thời gian vào các cuộc họp, lúc DN đang dồi dào các đơn hàng để phân tích cho DN thấy rõ về lợi ích của thỏa ước và giá trị về sự cống hiến, tạo ra của cải vật chất của NLĐ.

Ông Lê Văn Vang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch khẳng định, TƯLĐTT là sự thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và chủ DN về các điều kiện lao động thông qua thương lượng tập thể, mang lại “lợi ích kép” cho cả hai bên. Từ đó, động viên, thúc đẩy NLĐ làm việc với năng suất cao, tạo đà tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cho DN.

“Việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT mang lại nhiều hay ít quyền lợi cho NLĐ được quyết định bởi năng lực, bản lĩnh thương lượng của cán bộ CĐCS. Bản lĩnh đó phải thực sự là đại diện cho NLĐ ở DN, được NLĐ tin cậy. Đồng thời, cán bộ CĐCS phải tăng cường tiếp xúc lấy ý kiến của NLĐ, vừa đàm phán, phân tích với chủ DN về những lợi ích khi thực hiện tâm tư của NLĐ”- ông Vang chia sẻ.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Hoa cho rằng, để có bản thỏa ước thực chất, điều quan trọng là cán bộ Công đoàn phải lựa chọn được thời điểm phù hợp để gửi yêu cầu thương lượng và tiến hành thương lượng. Phải nêu bật được những lợi ích mà DN sẽ nhận được khi thực hiện các nội dung do Công đoàn kiến nghị. Các buổi thương lượng kéo dài đến khi thống nhất các nội dung mới tiến hành ký kết. Cán bộ CĐCS phải biết chọn lọc trên cơ sở tập hợp kiến nghị của NLĐ để DN chấp thuận ký kết sao cho phù hợp và cân bằng quyền lợi hai bên.

Lan Mai

Tin xem nhiều