Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động hưởng lợi nhờ thỏa ước lao động tập thể

10:09, 14/09/2020

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động nhưng nhiều Công đoàn cơ sở vẫn nỗ lực thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp những nội dung có lợi cho người lao động.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động nhưng nhiều Công đoàn cơ sở (CĐCS) vẫn nỗ lực thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp (DN) những nội dung có lợi cao hơn luật quy định đối với người lao động (NLĐ).

Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat được chăm sóc, khám sức khỏe tại Phòng Y tế công ty.
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat được chăm sóc, khám sức khỏe tại Phòng Y tế công ty.

Anh Nguyễn Quốc Phong, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Starite International (H.Trảng Bom) cho biết, nhờ có thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi NLĐ được đảm bảo, việc làm, thu nhập ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng phát triển nhờ có nguồn nhân lực yêu nghề, làm việc trách nhiệm.

* Quyền lợi được đảm bảo

Năm 2009, CĐCS Công ty TNHH Starite International đã đại diện cho NLĐ thương lượng thành công với chủ DN ký kết thỏa ước lao động tập thể sau một năm công ty đi vào hoạt động. Bản thỏa ước được ký kết với nhiều nội dung dựa trên những mong muốn, tâm tư của NLĐ như: chế độ nâng lương, thưởng hằng năm, hỗ trợ công nhân tiền nhà ở, đi lại và nuôi con nhỏ... Những nội dung trên được DN thực hiện dưới sự giám sát của CĐCS, nhờ đó quyền lợi và môi trường làm việc của NLĐ luôn được đảm bảo.

Đầu năm nay, để nâng cao phúc lợi cho NLĐ, CĐCS công ty tiếp tục thỏa thuận với chủ DN tái ký kết thỏa ước và thêm nhiều nội dung chăm lo đời sống NLĐ cao hơn luật quy định như: khen thưởng công nhân lao động giỏi, tăng giá trị bữa ăn giữa ca trên 15 ngàn đồng/phần; hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn và nhiều trợ cấp khác. Anh Nguyễn Quốc Phong cho hay, trước khi thương lượng, ký kết thỏa ước, CĐCS tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động làm cơ sở thương lượng. Việc thương lượng phải phân tích để chủ DN hiểu về lợi ích đôi bên để cùng hợp tác, thống nhất các nội dung trong thỏa ước mà Công đoàn đề cập.

Theo LĐLĐ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã ký mới được 75 bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số bản thỏa ước hiện có trên địa bàn toàn tỉnh là 1.193 bản/1.545 DN đã thành lập CĐCS. Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để DN, NLĐ trên địa bàn hiểu, tiếp tục mở rộng, phát triển thêm các DN tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt thỏa ước tập thể nhóm các ngành nghề nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ.

“Sự minh bạch thông tin trong việc lấy ý kiến tập thể NLĐ, nhất là đối với những quy định mới về chế độ đãi ngộ sẽ giúp DN hiểu hơn về vai trò của Công đoàn, từ đó quá trình thương lượng sẽ thuận lợi hơn. Khi thương lượng thành công các nội dung mới, cả NLĐ lẫn CĐCS đều cảm thấy rất hài lòng và phấn khởi vì quyền lợi NLĐ được đảm bảo lâu dài” - anh Phong bộc bạch.

Tương tự, CĐCS Công ty TNHH Tokin Electronics (TP.Biên Hòa) mới đây đã đại diện tập thể lao động tái ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều phúc lợi cho NLĐ như: công nhân lập gia đình, sinh con đầu lòng được DN mừng 500 ngàn đồng/người; kết hôn được nghỉ 5 ngày có lương; vợ sinh con chồng được nghỉ 3 ngày có lương; hằng năm tổ chức cho công nhân tham quan du lịch và hỗ trợ kinh phí cho CĐCS tặng quà công nhân trong các ngày lễ, tết...

Công nhân Thái Thị Kim Chung, làm việc tại công ty cho biết, nhiều năm gắn bó với công ty, chị luôn nỗ lực làm việc tốt vì các chế độ về lương, thưởng, đãi ngộ trong bản thỏa ước được DN thực hiện đúng với những nội dung đã ký kết. Ngoài ra, DN còn xây dựng nơi sinh hoạt riêng cho NLĐ, trang bị phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ... Những chính sách tốt này đã góp phần giúp cho công nhân yên tâm gắn bó, tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho DN.

* Hài hòa lợi ích đôi bên

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, xác định thỏa ước lao động tập thể là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chỉ đạo CĐCS thương lượng với chủ DN ký kết và thực hiện tốt thỏa ước tại DN. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS về kỹ năng thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc. Từ đó, chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm của NLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN.

Là một trong những DN được đánh giá thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể trên địa bàn H.Nhơn Trạch, Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin của NLĐ bằng nhiều phúc lợi tốt như: phụ cấp xăng xe, nhà ở 300 ngàn đồng/người/tháng; chuyên cần 250 ngàn đồng/người/tháng; hỗ trợ nuôi con nhỏ 40 ngàn đồng/người/tháng; hỗ trợ ăn sáng 15 ngàn đồng/người/ngày...

Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch) trong giờ làm việc

Chị Mai Thị Hương, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dệt may Eclat cho hay, với vai trò là cầu nối giữa NLĐ và chủ DN, vị trí của tổ chức Công đoàn trong DN luôn được khẳng định. Thông qua việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với DN, giúp NLĐ của công ty được hưởng những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật. Mặt khác, DN có đội ngũ lao động làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết và ổn định.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, vấn đề cốt lõi khi thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể là phải hài hòa được lợi ích giữa DN và NLĐ. Muốn thương lượng có thực chất, phải hiểu được DN và NLĐ cần gì. Từ cách nhìn thực tế ấy, khi bổ sung, điều chỉnh các điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ trong thỏa ước, ngoài lấy ý kiến NLĐ, CĐCS cần chủ động khảo sát tình hình việc làm, đời sống, thu nhập thực tế của NLĐ, cung cấp thông tin về tình hình để chủ DN nắm bắt, điều chỉnh phù hợp trên cơ sở hài hòa lợi ích đôi bên.

Cũng theo ông Thụy, ở những DN có ký kết thỏa ước lao động tập thể, CĐCS hoạt động tốt, đời sống NLĐ sẽ nâng cao, tình trạng ngừng việc tập thể hoặc bất hòa trong quan hệ lao động không tồn tại. Và khi quyền lợi của NLĐ được đảm bảo, chắc chắn họ sẽ làm việc tốt hơn và DN ổn định sản xuất. “Các CĐCS cần giải thích để chủ DN hiểu lợi ích đôi bên từ thỏa ước lao động tập thể, từ đó cùng hợp tác và tạo điều mọi điều kiện tốt trong quá trình thương lượng và thực hiện” - ông Thụy chia sẻ.

* Nâng cao số lượng và chất lượng thỏa ước

Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng, hiện nhiều bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới hoặc tái ký lại trong năm nay đã có thêm những nội dung cao hơn pháp luật quy định và có lợi cho NLĐ như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề; thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất 15 ngàn đồng, hỗ trợ đào tạo nghề... đã mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ.

“Nhờ những nỗ lực của CĐCS công ty, quyền lợi của NLĐ ngày càng được đảm bảo và chất lượng đời sống được nâng cao. Chúng tôi mong rằng, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò của mình, xứng đáng là điểm tựa vững chắc của đoàn viên và NLĐ” - công nhân Trần Thị Thu, làm việc tại Công ty TNHH Starite International bày tỏ.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh lưu ý các CĐCS tiếp tục thương lượng nhằm nâng cao số lượng và chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện những nội dung đã ký kết của DN đối với NLĐ. DN phải cam kết thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các quy định thỏa ước lao động; đồng thời phải tôn trọng NLĐ, tạo điều kiện cho lao động học tập, nâng cao tay nghề...

Còn theo Chủ tịch LĐLĐ H.Vĩnh Cửu Nguyễn Công Ký, trước khi ký kết thỏa ước, CĐCS phải khảo sát ý kiến NLĐ và DN để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh tình trạng làm qua loa hoặc hình thức. Cần phải giải thích cho DN hiểu nếu chăm lo NLĐ thực tâm thì DN cũng sẽ nhận được nhiều hơn từ thành quả lao động của NLĐ. Chỉ có như vậy mới giúp NLĐ được hưởng đãi ngộ cao hơn luật, quan hệ lao động tại DN ổn định.

Chị Hồ Ngọc Phương Thảo, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Kowide Outdoors (TP.Long Khánh) cho hay, để có bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng, hơn ai hết mỗi cán bộ Công đoàn phải khéo léo, có kỹ năng đối thoại, đàm phán và tâm huyết với hoạt động, luôn vì lợi ích NLĐ. Vì thế, Công đoàn cấp trên cần tăng cường công tác tập huấn kỹ năng thương lượng để nhiều cán bộ CĐCS nắm vững về luật, tự tin thương lượng để nâng cao chất lượng các bản thỏa ước.

Lan Mai

Tin xem nhiều