Báo Đồng Nai điện tử
En

Để bữa ăn giữa ca của người lao động đảm bảo chất lượng

08:03, 30/03/2021

Thời gian qua, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động (NLĐ), đặc biệt thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn trong tỉnh không chỉ đẩy mạnh nhiều hình thức phòng dịch mà còn tích cực giám sát bữa ăn giữa ca tại các doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, các cấp Công đoàn thương thảo với các chủ DN nâng giá trị bữa ăn giữa ca, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp NLĐ tái tạo sức khỏe để làm việc tốt hơn.

Thời gian qua, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động (NLĐ), đặc biệt thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn trong tỉnh không chỉ đẩy mạnh nhiều hình thức phòng dịch mà còn tích cực giám sát bữa ăn giữa ca tại các doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, các cấp Công đoàn thương thảo với các chủ DN nâng giá trị bữa ăn giữa ca, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp NLĐ tái tạo sức khỏe để làm việc tốt hơn.

Bữa ăn của người lao động tại Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom)
Bữa ăn của người lao động tại Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom). Ảnh: Lan Mai

* Nỗ lực thương thảo nâng giá trị bữa ăn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH của  Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ với mục tiêu đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15 ngàn đồng, khuyến khích các DN nâng giá trị bữa ăn giữa ca cao hơn, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện và tạo được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, có 1.507/1.545 DN có tổ chức Công đoàn thực hiện bữa ăn cho NLĐ, trong đó có 1.493 đơn vị có giá trị suất ăn giữa ca từ 15 ngàn đồng trở lên (đạt 99%), 14 đơn vị  có suất ăn giữa ca dưới 15 ngàn đồng.

Công nhân Lê Thị Hà, làm việc tại Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay, nhiều DN đã quan tâm cải thiện giá trị bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Song chất lượng vẫn chưa đảm bảo, nhiều bữa ăn suất cơm còn khá đơn giản, vì vậy, các cấp Công đoàn cần có những chuyến đi thực tế, cùng ăn cơm với công nhân để hiểu, ghi nhận và tác động đến DN nhằm cải thiện bữa ăn tốt hơn. Có như vậy, NLĐ mới yên tâm làm việc, không còn lo lắng về bữa ăn giữa ca của mình.

Các DN hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ bằng nhiều hình thức khác nhau như: tự tổ chức bữa ăn giữa ca, thuê nhà cung cấp suất ăn, phát tiền… Trong đó, có những DN tự tổ chức bữa ăn khá tốt với giá trị từ 15-45 ngàn đồng/phần/người. Để có được kết quả đó, nhiều Công đoàn cơ sở (CĐCS)  đã phát huy được vai trò của mình trong việc kiên trì thương thảo, phối hợp cùng DN tìm giải pháp để bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng, an toàn, phù hợp với điều kiện của DN.

Tại Công ty TNHH Vina (TP.Biên Hòa), để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, DN đã nâng giá trị bữa ăn giữa ca cao hơn so với quy định 40 ngàn đồng/phần/người. Đại diện Công đoàn công ty cho biết, chất lượng bữa ăn giữa ca đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe nhằm nâng cao năng suất lao động của NLĐ. Một bữa ăn ngon, đủ chất sẽ tiếp thêm năng lượng và tạo sự thoải mái về mặt tinh thần cho NLĐ khi làm việc. Vì vậy, CĐCS đề xuất DN ngoài tăng giá trị bữa ăn giữa ca, cần liên tục đổi món để thay đổi khẩu vị cho NLĐ, tránh sự lặp lại các món, gây nhàm chán trong từng bữa ăn.

Công nhân Trần Văn Hảo, làm việc tại công ty cho hay, anh cảm thấy hài lòng về bữa ăn giữa ca tại DN. Đặc biệt, khi công nhân có bất cứ phản hồi nào về món ăn, DN yêu cầu thay đổi để món ăn được đa dạng, hợp khẩu vị hơn. “Với đặc thù DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, đơn hàng nhiều, máy chạy với công suất liên tục, NLĐ làm việc rất khẩn trương và tập trung. Do đó, việc quan tâm sức khỏe NLĐ, nhất là bữa ăn đảm bảo không chỉ giúp NLĐ tái tạo sức lao động nhanh mà còn giúp DN có nguồn lao động dồi dào, gắn bó, làm việc trách nhiệm” - anh Hảo chia sẻ.

Hiện nhiều DN đã chủ động xây dựng bếp ăn tập thể để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Điển hình như Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom). Bếp ăn tập thể được DN kiểm soát từ khâu lấy thực phẩm đến quá trình chế biến để phục vụ bữa ăn cho trên 25 ngàn lao động. Khuôn viên nhà ăn được Ban giám đốc quan tâm, đầu tư trang thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với các vách ngăn sạch sẽ, bố trí lắp đặt hợp lý, tạo cảm giác yên tâm trong từng bữa ăn cho NLĐ.

Đại diện công ty cho biết, bếp ăn tập thể góp phần đáng kể trong việc hạn chế ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra vì quy trình chế biến và nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, các nhân viên nấu ăn luôn được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ hằng năm và đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ, Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa đã hướng dẫn các CĐCS tập trung giám sát và phối hợp với người sử dụng lao động cùng thực hiện, cải thiện bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Theo đó, trong năm 2020, đã có 11 CĐCS thương lượng nâng giá trị bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị trên 15 ngàn đồng. Hiện trên địa bàn khu công nghiệp còn 1 DN có bữa ăn giữa ca dưới 15 ngàn đồng. Các suất ăn luôn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến về an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Coi trọng chất lượng bữa ăn giữa ca

Theo các cấp Công đoàn, bên cạnh các DN đặc biệt quan tâm, chăm chút cho bữa ăn của NLĐ đạt chất lượng, an toàn, vẫn còn nhiều DN bỏ mặc các nhà thầu lo bữa ăn cho NLĐ với mức phí thấp. Đây là điều khiến nhiều cán bộ Công đoàn băn khoăn, bởi các DN còn chưa xem trọng chất lượng bữa ăn hoặc cung cấp bữa ăn chưa đáp ứng được nhu cầu về năng lượng, giá trị dinh dưỡng...

Thực tế, thời gian qua, một số NLĐ làm việc tại các DN đã phán ảnh về tình trạng bữa ăn giữa ca đơn giản, thiếu dinh dưỡng nên khó đảm bảo sức khỏe để làm việc. Thậm chí, một số DN xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể do bữa ăn giữa ca không đảm bảo. Trước tình trạng trên, tổ chức Công đoàn cùng các ngành chức năng đã làm việc với các DN nhằm cải thiện bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Qua đó, lãnh đạo DN đã xem xét cải thiện, giải quyết bức xúc của NLĐ, song về lâu dài, NLĐ vẫn mong muốn DN cần quan tâm nhiều hơn về bữa ăn giữa ca để họ có thêm động lực trong công việc, làm việc năng suất hơn. 

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, hiện nhiều CĐCS đã thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và kỹ năng trong việc thương lượng nâng cao giá trị bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Nhờ đó, giá trị bữa ăn đều được nâng lên trên 15 ngàn đồng/phần. Song để giữ ổn định giá trị bữa ăn cũng như đảm bảo chất lượng, việc giám sát ở cơ sở sẽ được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn. Ngoài ra, LĐLĐ huyện khuyến khích các DN chọn các nhà thầu cung cấp suất ăn uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm để bữa ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho NLĐ.

Trong các hội nghị giao ban công tác Công đoàn, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cũng đã lưu ý các CĐCS tăng cường giám sát chặt chẽ bữa ăn giữa ca của NLĐ và nâng giá trị bữa ăn thông qua đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể, bảo đảm chất lượng bữa ăn giữa ca với mức thấp nhất 15 ngàn đồng/phần. Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn  tiếp tục làm việc với các DN để thương lượng, thuyết phục chủ DN có trách nhiệm nâng chất bữa ăn cho NLĐ trong quá trình sản xuất tại các DN. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện bữa ăn giữa ca của DN đối với NLĐ.

Các cán bộ CĐCS cho rằng, sức khỏe là tài sản quý, vì vậy, DN muốn có lực lượng lao động khỏe mạnh, làm việc hết khả năng, việc đầu tiên là cần coi trọng sức khỏe NLĐ, trong đó, có bữa ăn hằng ngày. Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần  tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ DN về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca đối với sức khỏe NLĐ. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn tăng cường giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Lan Mai

Tin xem nhiều