Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản rừng ngập mặn

10:01, 03/01/2020

Rừng ngập mặn là khu vực nằm trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Đây là nơi giao thoa của nhiều dòng sông, mà lớn nhất là sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển. Sự giao thoa này đã góp phần tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn Đồng Nai đa dạng, phong phú với hàng trăm loài động, thực vật và đặc biệt là các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn cùng sinh sống.

Rừng ngập mặn là khu vực nằm trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Đây là nơi giao thoa của nhiều dòng sông, mà lớn nhất là sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển. Sự giao thoa này đã góp phần tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn Đồng Nai đa dạng, phong phú với hàng trăm loài động, thực vật và đặc biệt là các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn cùng sinh sống.

Cảnh đẹp rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Nhơn Trạch
Cảnh đẹp rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

* Lợi thế nguồn thủy sinh

Theo tài liệu địa lý, rừng ngập mặn là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy như: sông Đồng Nai, sông Soài Rạp, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, sông Cái, sông Đồng Tranh... trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai. Bên cạnh hệ sinh thái thực vật đa dạng với các loại cây điển hình như: đước, mắm, bần, chà là... mọc theo tầng tán tạo nên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, rừng ngập mặn còn là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của hàng trăm loại động vật, thủy sản mang tính đặc trưng riêng của vùng. Giới chuyên môn cho rằng, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có hơn 20 loài thú, hơn 100 loài chim, khoảng 30 loài bò sát và 9 loài lưỡng cư; hơn 200 loài thủy sản thuộc 3 nhóm chủ yếu là nhuyễn thể, giáp xác và nhóm động vật phong phú nhất là cá. Một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao là: cua gạch, cá đối, cá nâu, cá mú đen, tôm càng...

Một du khách lưu lại khoảnh khắc khi đến thăm rừng ngập mặn
Một du khách lưu lại khoảnh khắc khi đến thăm rừng ngập mặn

Sự đa dạng và phong phú của các loài thủy sản đã tạo nên nguồn sinh kế vô cùng lớn cho hàng trăm hộ dân nơi hạ nguồn sông Đồng Nai. Theo các ngư dân, cá đối là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao của rừng ngập mặn. Cá đối sống theo tập tính bầy đàn ở vùng nước lợ (tập trung ở xã Phước An, xã Long Thọ của huyện Nhơn Trạch), nơi có lưu lượng dòng chảy tương đối ôn hòa, độ mặn vừa phải. Cá đối có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và sinh vật nhỏ nên thịt cá dai, thơm, ruột sạch. Cũng chính vì cá đối chỉ sinh sản và phát triển trong môi trường nước tự nhiên, không ăn mồi nên cá đối càng có giá trị kinh tế cao hơn. Cá đối ngon nhất là để nguyên con nướng chấm muối ớt hoặc nấu lẩu.

Những thực khách từng đến với rừng ngập mặn cho rằng, họ luôn muốn trở lại vùng đất này không chỉ bởi cảnh đẹp, khí hậu trong lành và mát mẻ không kém các miệt vườn miền Tây sông nước mà còn vì ẩm thực ở rừng ngập mặn luôn đa dạng, tươi ngon và chế biến không quá cầu kỳ.

Khác với các loại tôm nuôi, tôm sông, tôm càng ở rừng ngập mặn thịt chắc và rất ngọt. Người ta có thể chế biến món ăn này trong vài phút, thường là hấp, nướng hoặc rang muối. Để bắt được những con tôm càng loại này cũng lắm công phu, trước đây, những người thợ lặn phải ngụp sâu xuống tận đáy sông, dùng công cụ, thường là đó (dụng cụ làm bằng tre, nứa) chụp từng con tôm một. Ngày nay, người ta dùng lưới đăng tôm nhưng thời gian, địa điểm đi đăng phải tùy thuộc vào con nước. Chính vì vậy, tôm càng rừng ngập mặn có giá cao, thường từ 400-600 ngàn đồng/kg và không phải lúc nào muốn cũng được ăn. Từ tháng 10 đến hết tháng Giêng hằng năm là mùa tôm trưởng thành. Vào mùa, ngư dân có cơ hội kiếm thêm thu nhập, còn thực khách được thỏa lòng thưởng thức món ngon.

Đặc sản nổi tiếng của rừng ngập mặn là cua gạch. Những người làm nghề bắt cua nhiều năm ở rừng ngập mặn cho rằng, cua ở đây thường đào hang và quần tụ nơi gốc cây mắm, đước để ăn trái mắm đen rụng nên gạch đỏ, chất lượng thịt ngon hơn cả cua đồng. Mùa bắt cua trúng nhất vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Vào mùa, nhiều người dân từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về đây tham gia bắt cua cùng với ngư dân địa phương. Từ mờ sáng, những “thợ săn” có mặt ở rừng hành nghề. Khi con nước vừa rút, mặt sình lộ ra các dấu vết hang cua là lúc cuộc săn cua bắt đầu. Khác với cách khai thác tôm, cá dưới lòng sông, việc săn cua khó hơn nhiều do phải luồn qua các lớp rễ cây mắm, đước dày đặc không khác gì bẫy lưới. Chuyện bị cua kẹp đứt thịt, rễ cây khô đâm chảy máu là bình thường với những người đi săn cua. Để bắt cua, người ta dùng móc sắt dài luồn vào hang sâu. Quá trình bắt cua phải khéo léo để cua không gãy càng, bán mất giá. Tùy theo trọng lượng, thời điểm thu hoạch, cua có giá bán khác nhau, trong đó, cua lột có giá cao nhất khoảng 700 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, người đi săn cua có thu nhập vài trăm ngàn đồng, thậm chí có hôm “trúng” thu về hơn triệu đồng. Nghề săn cua ở rừng ngập mặn tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập khá hấp dẫn cho những người bám rừng mưu sinh.

* Làm giàu nhờ rừng ngập mặn

Ngoài các loại thủy hải sản tự nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương đã tìm được giải pháp làm giàu từ rừng ngập mặn, đó là nuôi trồng thủy sản nước lợ. Mô hình này ngày càng được nhân rộng vì giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước nhiễm mặn ngày càng tăng.

Một trong số đó là mô hình nuôi sò huyết. Theo những người nuôi sò huyết, loài thủy sinh này lớn nhanh dù không phải tốn bất cứ loại thức ăn gì. Chỉ cần dùng lưới cao hơn mặt nước khoảng 30cm bao quanh bãi bồi để giữ cho sò không thoát ra ngoài. Từ lúc thả giống đến thu hoạch khoảng 7 tháng. Sò huyết nuôi trong môi trường nước phù sa ít cát, thường được nướng chấm muối chanh hoặc nấu cháo.

Cá đối, một trong những đặc sản ở rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch
Cá đối, một trong những đặc sản ở rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch

Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết đang phát triển mạnh ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Chính quyền xã này cho biết, mấy năm trước, xã bế tắc trong việc tìm mô hình giúp người dân thoát nghèo trên vùng đất nhiễm mặn. Nhờ mô hình nuôi tôm, nuôi sò huyết, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Diện tích nuôi tôm và sò huyết trong xã hiện nay hơn 1 ngàn hécta. Với giá từ 200-400 ngàn đồng/kg tôm, gần 100 ngàn đồng/kg sò huyết, người nuôi thu lợi từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng tùy mô hình và quy mô nuôi. Đây là nguồn thu mà trước đây nhiều người dân và chính quyền địa phương chưa nghĩ đến.

Lợi nhuận hơn cả trong số các mô hình nuôi thủy sản ven rừng ngập mặn là tôm. Anh Nguyễn Huy Bình (ấp Bà Trường, xã Phước An), một trong những người nuôi tôm giỏi nhất xã cho biết, mỗi năm anh thu lợi vài tỷ đồng.

Chem chép hấp, một món ăn hấp dẫn với du khách khi đến rừng ngập mặn
Chem chép hấp, một món ăn hấp dẫn với du khách khi đến rừng ngập mặn

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh Bình quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Sau 3 năm thất bại liên tiếp, từ năm 2017 đến nay, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao kết hợp với chạy máy tạo oxy cho ao nuôi và xử lý phân tôm theo quy trình, anh Bình không còn gặp phải rủi ro nữa. Chỉ tính riêng năm 2019, trên diện dích 5 ngàn m2 mặt nước, anh Bình thả gối đầu 4 vụ và thu về gần 90 tấn tôm. Với giá bán bình quân 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, anh Bình thu lợi khoảng 50 ngàn đồng/kg.

Có thể nói, bên cạnh lợi thế thiên nhiên ban tặng, sự thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần làm phong phú thêm đặc sản cho rừng ngập mặn. Du khách đến với rừng ngập mặn hôm nay không chỉ được đi thuyền thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên với những con rạch rợp bóng cây xanh mà còn được thỏa thích thưởng thức các món hải sản tươi ngon không nơi nào ở đất Đồng Nai sánh bằng, đó là chem chép hấp rau răm, cá đối nướng muối tiêu, là bạch tuộc hấp ăn với bánh tráng rau rừng, cua gạch rang me… Sự đa dạng về ẩm thực cùng cảnh đẹp rừng ngập mặn đã và đang trở thành lợi thế lớn cho ngành du lịch sinh thái nơi đây.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích