Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động nhỏ - ý nghĩa lớn

10:01, 03/01/2020

Trên trang Facebook cá nhân tài khoản "Doan Thi Ngoc Bich" mới đây đăng tải câu chuyện có liên quan đến cái túi ny-lông. Trong câu chuyện chị kể, giống như những công dân có ý thức bảo vệ môi trường khác, thấm nhuần tinh thần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đi đâu chị cũng mang theo cái túi vải bên mình và từ chối túi ny-lông trong bất cứ giao dịch nào.

Trên trang Facebook cá nhân tài khoản “Doan Thi Ngoc Bich” mới đây đăng tải câu chuyện có liên quan đến cái túi ny-lông. Trong câu chuyện chị kể, giống như những công dân có ý thức bảo vệ môi trường khác, thấm nhuần tinh thần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đi đâu chị cũng mang theo cái túi vải bên mình và từ chối túi ny-lông trong bất cứ giao dịch nào.

Có lần chị đang đi dạo bộ sau ngày làm việc vất vả thì nảy ra ý định mua bún về nấu ăn tối. Chị có tiền trong túi nhưng ngặt nỗi không mang theo dụng cụ chuyên đi chợ như mọi lần. Chị tặc lưỡi, chỉ duy nhất hôm nay thôi dùng một cái túi ny-lông thì cũng chẳng sao. Nghĩ vậy nhưng chị lại tính toán, phân vân, một cái túi ny-lông không thể cùng lúc vừa đựng sườn heo, bún, rau và các gia vị cần thiết cho một nồi bún được, phải cần đến vài cái túi ny-lông. Chị ngẫm nghĩ và đi đến quyết định: không thể “thỏa hiệp” với hành vi thải túi ny-lông ra môi trường, nếu thỏa hiệp một lần ắt sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Nghĩ vậy, chị lóc cóc “lội bộ” quay về nhà lấy “đồ nghề” đi chợ…

Thời gian gần đây, phong trào Nói không với túi ny-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo hiệu ứng tốt đối với nhiều người trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, túi ny-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn đang tiếp tục được người người sử dụng một cách “vô tội vạ” trong sinh hoạt hằng ngày. Đâu đâu trên mọi nẻo phố phường, đường quê, đặc biệt là các tuyến đường vùng ngoại ô, càng dễ dàng bắt gặp vô vàn rác thải, trong đó có lượng lớn túi ny-lông. Rác thải hiện vẫn là một trong những vấn nạn chưa thể giải quyết căn cơ trong quá trình đô thị hóa khá nhanh ở Việt Nam.

Nghiên cứu từ các cơ quan quản lý về rác thải nhựa ở Việt Nam và cảnh báo của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa khi mỗi năm có khoảng từ 4,8-12,7 triệu tấn rác từ lục địa đổ vào các đại dương. Trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam bị xếp hàng thứ tư, sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines, với lượng rác thải nhựa ra biển từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm. Đây là một thách thức lớn cho môi trường ở Việt Nam bởi với đặc tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, rác thải nhựa mới có thể được phân hủy. Chưa kể, theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình phân hủy, nhựa sẽ rã thành những mảng nhỏ và có thể bị các loài hải săn ăn vào, để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Rác thải nhựa gây tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm đất, nước và đại dương. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, việc đối mặt với thảm họa rác thải nhựa không còn là quá xa xôi.

Lường trước được những hệ lụy nghiêm trọng từ vấn nạn rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên - môi trường đã có những động thái tích cực nhằm chung tay đẩy lùi vấn nạn này; từ việc phát động phong trào Chống rác thải nhựa với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng; cam kết hợp tác cùng các đối tác “Vì các đại dương không có rác thải nhựa”; đến phối hợp với Nhật Bản xúc tiến thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa tại Việt Nam… Ở tầm vi mô, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã vào cuộc bằng các phong trào, chương trình cụ thể Nói không với túi ny-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như vẫn chưa đủ để bật dậy ý thức của tất cả mọi người trong cộng đồng về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, cùng với các giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng từ trong trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chính quyền các cấp cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn với các tổ chức tôn giáo để lồng ghép nội dung tuyên truyền về “chống rác thải nhựa” trong các buổi sinh hoạt tôn giáo theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời có các giải pháp quản lý, hạn chế việc sản xuất túi ny-lông tràn lan.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn. Nếu tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường như câu chuyện của chị Ngọc Bích kể trên, không cho phép mình “thỏa hiệp” dù chỉ một lần sử dụng túi ny-lông, thì có lẽ câu chuyện về rác thải nhựa sẽ không còn là vấn nạn với những tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.          

Thảo Nhi

 

Tin xem nhiều