Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết ấm...

10:01, 17/01/2020

Tôi xa quê đã hơn 10 năm và cũng chừng đó thời gian tôi gắn bó với mảnh đất phương Nam - TP.Biên  Hòa đã trở thành quê hương thứ hai với tôi và gia đình nhỏ của mình. Mùa xuân ở Biên Hòa đầy nắng và  ấm áp

Tôi xa quê đã hơn 10 năm và cũng chừng đó thời gian tôi gắn bó với mảnh đất phương Nam - TP.Biên  Hòa đã trở thành quê hương thứ hai với tôi và gia đình nhỏ của mình. Mùa xuân ở Biên Hòa đầy nắng và  ấm áp

Ở Biên Hòa, như thường niên, đúng ngày 23 tháng Chạp hằng năm, khi mọi gia đình nhộn nhịp mua sắm lễ cúng tiễn ông Táo về trời cũng là lúc Quảng trường tỉnh nhộn nhịp chợ hoa Xuân. Dù bận rộn thế nào tôi cũng cố gắng rủ người thân, bạn bè dạo quanh một vòng chợ hoa để tận hưởng tiết Xuân ngay trên những cánh hoa, cành lộc và lưu lại những hình ảnh thật đẹp cho tuổi mới. Nếu như ở quê tôi phổ biến là hoa hồng, violet, thược dược, đào phai, thích hợp với tiết trời mưa phùn, gió lạnh thì hoa Xuân ở Biên Hòa lại rực rỡ đón nắng trời, đó là các loài hoa hướng dương, vạn thọ, mào gà, đặc biệt là mai vàng. Theo quan niệm dân gian, hoa mai mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai vàng có thể xua đuổi những điều xấu, không tốt đẹp và cầu cho một năm mới luôn được bình an, hạnh phúc và thịnh vượng. Có lẽ vì vậy mà hoa mai vàng không thể thiếu trong gia đình của người dân nơi đây trong dịp Tết đến Xuân về. Nhà tôi cũng trồng được một gốc mai vàng trước cổng, khoảng sau ngày rằm tháng Chạp, tôi thường tự mình đi vặt lá mai để cây kịp trổ bông vào đúng dịp 30 Tết, khoảnh khắc đó tôi luôn háo hức đón đợi với một cảm giác bâng khuâng khi Tết đã về đến cổng nhà.

Ngày 30 Tết, tôi thường tất bật với việc dọn dẹp, lau chùi, bày trí căn nhà nhỏ và chuẩn bị các món ăn cúng lễ ba mươi. Gắn bó với bà con nơi đây, tôi dần biết cách bày trí mâm ngũ quả, rất khác với ở quê tôi, không chưng quả chuối, bòng và đủ năm loại quả, các má, các chị nơi đây chỉ chọn bốn loại quả chính để trên bàn thờ gia tiên: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với ước vọng “cầu vừa đủ xài” theo đúng cách phát âm của người dân Nam bộ. Dần dần tôi cũng mới hiểu, người miền Nam rất kỵ việc chưng quả chuối trong ngày đầu năm, bởi từ chuối họ thường đọc thành “chúi”- ý chỉ sự khó khăn, gian khổ, ngoài ra người miền Nam cũng kiêng việc bày những loại quả như lê - lê lết, sầu riêng... và những trái cây có vị đắng vì nếu bày trí trên mâm ngũ quả sẽ không may mắn. Tuy nhiên, mâm ngũ quả của người miền Nam không nhất thiết phải có bốn loại quả trên, có thể cho thêm nhiều loại quả khác như sung tượng trưng cho sung túc, đầy đủ: dưa hấu vỏ xanh, ruột đỏ tượng trưng cho sự lạc quan, yêu đời hay quả dư với mong muốn cuộc sống sẽ dư dả.

Trong dịp Tết Nguyên đán, tôi được nghỉ dài ngày nên thường tự tay làm các món ăn cho gia đình và chuẩn bị tiếp đãi khách. Bên cạnh các món ăn mà tôi mang theo từ quê nhà như: chân giò heo nấu đông, miến măng, trong nhà tôi thường chuẩn bị các món thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, củ kiệu tôm khô, chả bò, lạp xưởng và bánh tét... Bánh tét Cù lao phố Biên Hòa rất nổi tiếng, bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh và nhân thịt, bó thành đòn dài, được cắt ra thành từng miếng để ăn, bánh tét có thể để được cả tuần mà không bị thiu. Bánh tét có nhiều loại khác nhau như: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt... Trong các loại bánh tét, tôi thích nhất vẫn là bánh tét lá cẩm có màu tím rịm, vị thơm ngon, dẻo, ngọt, béo ngậy ăn hoài không ngán.

Sau lễ giao thừa, các gia đình trong hẻm tôi thường dẫn đoàn đến từng gia đình để chúc Tết và lì xì trẻ nhỏ. Kết thúc việc chúc Tết, các gia đình thường rủ nhau đi lễ chùa, dâng hương ước nguyện cho một năm mới an lành, phát tài, phát lộc.

Tết đã gõ cửa mọi nhà. TP.Biên Hòa được trang trí rất nhiều đèn hoa, cờ Tổ quốc, trên các tuyến đường xuất hiện nhiều băng rôn, khẩu hiệu vô cùng đẹp mắt. Đường Nguyễn Văn Trị dọc bờ sông Đồng Nai đã tưng bừng sắc hoa và bày trí nhiều tượng nghệ thuật, Văn miếu Trấn Biên những ngày này ngập tràn sắc mai vàng, trên những cành mai chi chít nụ và lộc non đón chào mùa mới… Bỗng nhiên trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả, đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ đến cồn cào, nhớ con đường bụi đỏ ướt nhem mưa lạnh, nhớ cái cầu ao bề bộn những mớ lá dong và rất nhớ ngọn lửa ấm áp của nồi bánh chưng đêm 30 của bố… Lắng lại trong sâu thẳm miền nhớ, tôi cắm lên trước cổng nhà một lá cờ đỏ, sao vàng mà lòng trào dâng ước nguyện gửi về mẹ, người thân một năm mới với biết bao niềm tin yêu và cầu mong sự may mắn, an lành.

Tuyết Mai

 

Tin xem nhiều