Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết ở phương xa

10:01, 17/01/2020

Dù ai đi ngược về xuôi, xa xôi ngàn dặm khắp năm châu, bốn bể, hễ là người Việt Nam, cứ gần đến Tết cổ truyền của dân tộc, lòng người lại nôn nao nhớ về hương vị Tết ấm quê nhà.

Dù ai đi ngược về xuôi, xa xôi ngàn dặm khắp năm châu, bốn bể, hễ là người Việt Nam, cứ gần đến Tết cổ truyền của dân tộc, lòng người lại nôn nao nhớ về hương vị Tết ấm quê nhà.

Gia đình chị Đinh Thu Hồng sum vầy bên bữa cơm ngày Tết tại TP.Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ
Gia đình chị Đinh Thu Hồng sum vầy bên bữa cơm ngày Tết tại TP.Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ

Để thỏa niềm nhớ ấy, hằng năm có rất nhiều Việt kiều đã trở về Việt Nam đón Tết đoàn viên bên người thân, quê cha, đất Tổ. Những người khác vì nhiều lý do, chưa có điều kiện để về quê hương đón Tết cũng cố gắng tạo cho bản thân và gia đình Tết ấm trên đất khách. Những hoạt động đó không chỉ để thỏa niềm vui Xuân của những người con đất Việt xa xứ mà ý nghĩa hơn là thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu; đó còn là cách thức kết nối cộng đồng kiều bào ta, lan tỏa văn hóa Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới.

* Lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp năm châu. Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc… là những quốc gia có nhiều người Việt định cư. Những ngày cận Tết cổ truyền, dẫu khá bận rộn với công việc thường ngày nhưng cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng cố gắng sắp xếp để chuẩn bị cho các hoạt động đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Chị Mai Như Quỳnh (quê huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) định cư tại TP.Westminster, tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ cho biết, cứ gần đến Tết cổ truyền Việt Nam, tại các trung tâm thương mại lớn như: Vietnam Town, Lion Plaza, Grand Century Mall… lại bày bán đầy đủ các mặt hàng như bánh, mứt, trái cây bày mâm ngũ quả, câu đối..., nói chung là đủ các hương vị cho ngày Tết như ở Việt Nam. Ai cũng náo nức sắm sửa để chuẩn bị một cái Tết thật đủ đầy. Dẫu định cư tại Mỹ đã gần 20 năm nhưng gia đình chị Như Quỳnh vẫn giữ được phong tục ngày Tết cổ truyền. Dịp Tết, nhà chị vẫn cúng đưa rước ông Táo, bày mâm ngũ quả, có bánh tét, nấu thịt kho tàu, cúng giao thừa, thưởng thức màn bắn pháo hoa, đi chùa cầu bình an đầu năm mới. Sáng mùng 1 Tết cũng thực hiện tục mừng tuổi chúc thọ ông bà, cha mẹ; lì xì cho các con; đi chúc Tết người thân quen, bạn bè... “Đặc biệt, nữ sinh người Việt hoặc người Mỹ gốc Việt đi học mặc áo dài trong những ngày Tết, do đó nhiều trường học ở Mỹ họ biết đến Tết truyền thống Việt Nam ngay từ cách ăn mặc của học sinh. Tôi luôn khuyến khích con gái mặc áo dài đi học không chỉ dịp Tết cổ truyền mà nhiều dịp khác trong năm nhằm góp sức làm lan tỏa vẻ đẹp thuần khiết của tà áo dài Việt Nam, cũng là để nhắc nhở con luôn nhớ về quê hương, nguồn cội” - chị Như Quỳnh cho biết.

Em bé theo cha mẹ đi chùa đầu năm mới tại khu Little Saigon, TP.Westminster, tiểu bang California, Mỹ
Em bé theo cha mẹ đi chùa đầu năm mới tại khu Little Saigon, TP.Westminster, tiểu bang California, Mỹ

Tương tự như gia đình chị Như Quỳnh, chị Đinh Thu Hồng (quê TP.Hà Nội) cùng gia đình định cư đã nhiều năm ở TP.Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ (nơi tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1996, một sự kiện thể thao quốc tế lớn). Chị Thu Hồng cho biết, thành phố nơi chị ở cộng đồng người Việt đông nên không khí đón Tết rất đậm chất Việt. Những ngày cận Tết hằng năm, không khí càng trở nên rộn ràng khi chợ hoa Xuân bắt đầu khai mạc. Cùng với đó, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức thu hút đông đảo cộng đồng người Việt tham gia như: chương trình lễ hội ngày Tết gồm: múa lân, các trò chơi dân gian, thi người đẹp, thi nấu nướng. Tại các chùa, nhà thờ đều có các hoạt động thu hút đông đảo người đến tham gia trong dịp Tết như: cúng lễ, mừng tuổi… Các hoạt động này thường diễn ra dịp cuối tuần, có thể đúng ngày 30 Tết nhưng cũng có thể trước hoặc sau ngày 30 Tết, bởi vì những ngày trong tuần mọi người đều phải đi làm.

Theo chị Thu Hồng, các thành viên trong gia đình chị cũng như những gia đình trong cộng đồng người Việt ở Atlanta rất phấn khởi, hào hứng khi tham gia các hoạt động vui Xuân, đón Tết. Chính nhờ những hoạt động ấy mà họ cảm thấy khoảng cách địa lý như gần lại, Tết vẫn ấm dù là trên đất khách.

* Hướng về quê hương, nguồn cội

Là thanh niên chưa có gia đình lại khá bận rộn với công việc tại một doanh nghiệp lớn ở Anh, anh Phan Hoàng Lộc (quê tỉnh Quảng Bình) dường như không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho Tết. Nơi anh Lộc ở có ít người Việt nên việc liên hệ để thăm thú, vui chơi dịp Tết cũng không phải dễ. Tuy vậy, chưa năm nào anh quên giờ phút đón giao thừa, thời điểm ấy được anh ghi cẩn thận vào lịch và dành cả giờ để gọi điện về chúc Tết cha mẹ, các chị ở quê nhà. Không nấu được bữa cơm ngày Tết với bánh tét, thịt kho, dưa, kiệu… nhưng nhất định anh sẽ mời các đồng nghiệp làm chung cùng ăn bữa cơm Việt Nam như một cách để nhớ về quê hương, nguồn cội ngày Tết. “Cũng có năm “nhớ nhà, nhớ Tết không chịu nổi”, tôi đã “xách ba lô lên” và bay về đón Tết cùng gia đình trên quê hương mình” - anh Lộc tâm sự.

Một góc chợ Tết ở chợ Phước - Lộc - Thọ, khu Little Saigon, tiểu bang California, Mỹ
Một góc chợ Tết ở chợ Phước - Lộc - Thọ, khu Little Saigon, tiểu bang California, Mỹ

Do bận rộn với công việc, Tết năm nay chị Đặng Thu Hương (quê TP.Hà Nội), hiện sống tại TP.Bratislava, đất nước Slovakia, không có điều kiện về quê đón Tết mà ở lại đón Tết trên đất khách. Chị cùng chồng đang sinh sống, làm việc, định cư ở Slovakia đã nhiều năm, dẫu đã quen với những cái Tết xa quê nhưng cứ mỗi độ Xuân về chị cũng như nhiều người lại nôn nao nhớ hương vị Tết cổ truyền. Chị cho biết, trước đây mình không phải là người giỏi nội trợ nhưng từ khi định cư ở nước ngoài chị trở thành “đầu bếp” biết chế biến nhiều món ăn Việt Nam. Điều này không chỉ để gia đình chị luôn có những bữa cơm ấm áp mà còn giới thiệu đến bạn bè ở nước sở tại về truyền thống ẩm thực và bữa cơm gia đình Việt Nam - một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Cả với những món khó như bánh nếp, chả cá, chả bông… chị đều có thể làm được. Riêng ngày Tết, nhất định chị sẽ nấu mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, sau đó sẽ mời bạn bè dùng bữa cơm chào năm mới sum vầy cùng gia đình chị.

Xuân đã về khắp muôn nẻo, với muôn người, muôn nhà. Với những người vì điều kiện công việc, gia đình, không gian địa lý xa xôi… dẫu không về đón Xuân trên quê hương đất nước cội nguồn, thì Tết cổ truyền của dân tộc cũng vẫn luôn ý nghĩa, ấm áp. Bởi dẫu có đi bốn phương trời thì người Việt vẫn luôn có ý thức giữ gìn nét văn hóa truyền thống riêng có của dân tộc Việt Nam và những tập tục văn hóa thiêng liêng ngày Tết với nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết đầy ý nghĩa hướng về quê hương, nguồn cội.

Phát biểu tại chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2019 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì, phối hợp với UBND TP.Hà Nội và các bộ, ngành liên quan tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội đầu năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”!

Lê Quân


Chị Mai Như Quỳnh (quê huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) định cư tại TP.Westminster, tiểu bang California, Mỹ:

Mỗi lần đến Tết thì nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ gia đình ở Việt Nam càng da diết; thèm được về quê đón giao thừa, giây phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới với không khí đầm ấm bên gia đình trên quê hương mình. Tôi luôn ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa ngày Tết của đất nước mình nên dù đón Tết ở xa nhưng gia đình tôi vẫn luôn đầy đủ hương vị Tết Việt với bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, thịt kho hột vịt, cũng đi chùa cầu bình an, mừng tuổi đầu năm…

Chị Đinh Thu Hồng (quê TP.Hà Nội) định cư ở TP.Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ:

Ngày Tết, cộng đồng người Việt ở nước sở tại đều tổ chức nhiều hoạt động lễ hội chào đón Xuân sang rộn ràng, ý nghĩa. Tôi thấy khi tham dự vào những hoạt động này thì vẫn được đắm chìm trong không khí Tết truyền thống. Ngày Tết, chúng tôi vẫn được hòa mình vào các hoạt động truyền thống như: tham gia các trò chơi dân gian, thi nấu ăn, mặc áo dài đi lễ chùa ngày mùng 1 Tết, vẫn có tục mừng tuổi… Ngày Tết đến trong không khí tiết trời se lạnh, vẫn có đủ các món ăn truyền thống dịp Tết của cả 3 miền.

Chị Đặng Thu Hương (quê TP.Hà Nội), định cư tại Bratislava, Slovakia:

Ẩm thực Việt Nam cũng là nét truyền thống văn hóa độc đáo. Dẫu bận rộn với công việc nhưng hễ cứ có ngày nghỉ là tôi tranh thủ tìm mua nguyên vật liệu để làm những món ăn truyền thống “đãi” gia đình và bạn bè. Ngày Tết, tôi cũng cố gắng nấu các món mang đậm hương vị Việt để gia đình cùng sum vầy dẫu là đón Tết trên đất khách. Nếu có dịp về quê hương thì tôi cũng sẽ chọn ngày Tết để được đắm mình trong hương vị Tết riêng có của đất nước mình.


 

 

Tin xem nhiều