Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi Olympic hoãn lại

11:03, 27/03/2020

Olympic Tokyo 2020 chính thức được dời lại đến thời điểm thích hợp là tiêu điểm sự kiện thể thao trong tuần, giữa bối cảnh hầu hết mọi giải đấu, sự kiện thể thao lớn trên thế giới đều phải hủy bỏ, hoãn và dời lại - từ VCK Giải vô địch bóng đá quốc gia châu Âu Euro (dời đến hè 2021) đến hàng loạt chặng đua F1 đầu mùa; từ Giải Ngoại hạng Anh Premier League đến Giải bóng rổ nhà nghề Bắc Mỹ NBA…

Olympic Tokyo 2020 chính thức được dời lại đến thời điểm thích hợp là tiêu điểm sự kiện thể thao trong tuần, giữa bối cảnh hầu hết mọi giải đấu, sự kiện thể thao lớn trên thế giới đều phải hủy bỏ, hoãn và dời lại - từ VCK Giải vô địch bóng đá quốc gia châu Âu Euro (dời đến hè 2021) đến hàng loạt chặng đua F1 đầu mùa; từ Giải Ngoại hạng Anh Premier League đến Giải bóng rổ nhà nghề Bắc Mỹ NBA…

* Olympic 2020 diễn ra năm 2021

Sau nhiều đồn đoán và tranh cãi, mãi đến ngày 24-3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đứng đầu là Chủ tịch Thomas Bach cùng Chính phủ Nhật Bản, đứng đầu là Thủ tướng Shinzo Abe chính thức ra thông cáo chung về việc dời thời điểm tổ chức Olympic Tokyo 2020 cho đến một thời điểm thích hợp (nhưng không trễ hơn mùa hè 2021).

Chủ tịch IOC Thomas Bach và Thủ tướng Abe bày tỏ mối quan tâm chung của họ về đại dịch Covid-19 và những gì nó đang tác động đến người dân trên toàn thế giới nói chung cũng như tác động đáng kể của nó đối với cuộc sống và lịch tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội của các VĐV thể thao toàn cầu. Rõ ràng với quá nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh buộc phải “ngăn sông cấm chợ”, phong tỏa và cách ly như hiện nay, cũng như VĐV không thể tập luyện bình thường, các cuộc thi tài cũng không thể diễn ra. Trong khi hiện chỉ mới chọn được hơn 50% lượng VĐV “có vé” chính thức tham dự Tokyo 2020 mà thôi.

“Chúng ta chưa bao giờ thấy sự lây lan của virus trên toàn thế giới như vậy trước đây. Nó cũng là một thách thức chưa từng có đối với Thế vận hội Olympic. Đó là lý do tại sao việc hoãn Thế vận hội (Tokyo 2020) kiểu này là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic” - Chủ tịch IOC Thomas Bach nói.

IOC cho biết ủy ban này đã có một “cuộc họp bàn rất thân thiện và mang tính xây dựng với phía chủ nhà Nhật Bản. Hai bên ca ngợi những công việc to lớn đã thực hiện của Ban tổ chức Tokyo 2020 cũng như ghi nhận những tiến bộ to lớn đạt được tại Nhật trong cuộc chiến đấu chống lại Covid-19”.

Sự lây lan chưa từng thấy và không thể đoán trước của việc bùng phát dịch bệnh đã khiến diễn biến nhiều nơi trên thế giới ngày càng xấu đi. Dựa trên hoàn cảnh hiện tại lẫn thông tin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp, IOC và Nhật Bản quyết định “Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ không diễn ra vào tháng 7 tới theo dự định để bảo vệ sức khỏe của các VĐV, mọi người tham gia theo dõi Thế vận hội lẫn cộng đồng quốc tế”.

“Các nhà lãnh đạo đồng ý rằng “Thế vận hội Olympic ở Tokyo có thể trở thành ngọn hải đăng thắp sáng niềm hy vọng cho thế giới trong thời điểm khó khăn này và ngọn lửa Olympic có thể là “ánh sáng cuối đường hầm” cho toàn cầu” - IOC tuyên bố. Do đó, ngọn lửa Olympic vẫn sẽ ở lại Nhật Bản cho đến khi ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra. Thời điểm tổ chức Olympic và Paralympic Games Tokyo 2020 sẽ không muộn hơn hè 2021 và vẫn giữ nguyên tên gọi Olympic Tokyo 2020.

* “Nhẹ nhõm”

Quyết định của IOC và Nhật Bản tuy có phần chậm trễ và bị phản ứng (do sự thận trọng cần thiết cũng như cân nhắc những hệ quả khổng lồ và phức tạp từ việc đổi thời điểm tổ chức Olympic), song dẫu sao cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của giới thể thao nói riêng và thế giới nói chung. “Đây là một quyết định đúng đắn giúp các VĐV cùng HLV và đội ngũ của mình lên kế hoạch tập luyện hợp lý cho Thế vận hội” - Lani Belcher, nữ VĐV đua thuyền trong đội tuyển Olympic Anh quốc, nói. Sau thông báo của IOC, nhà vô địch môn đấu vật Olympic của Canada Erica Wiebe hào hứng: “Được giải thoát hoàn toàn cùng sự phấn khích. Chúng ta đang ở thời kỳ chưa từng có. Chúng tôi sẽ sẵn sàng hơn bao giờ hết vào năm 2021 với niềm tự hào”.

Các VĐV giờ đây có thể “nhẹ nhõm” gánh nặng lo lắng để yên tâm và theo đuổi một kế hoạch chuẩn bị tốt hơn. Các quốc gia cũng không phải khó xử trước tình cảnh Covid-19 tác động mạnh lên mọi sinh hoạt đời sống thường ngày. Và trên hết, sự an toàn và sức khỏe của các VĐV thể thao, mọi thành phần Ban tổ chức lẫn hàng triệu khán giả xem Olympic được đảm bảo.

Đoàn thể thao Olympic Anh gửi “một thông điệp gửi đến Tokyo” với nội dung nhiều hứa hẹn tích cực: “Khi đúng thời điểm tốt, chúng tôi sẽ đến và chung vui Thế vận hội cùng với bạn. Từ nay cho đến ngày đó, các VĐV thế giới hãy giữ an toàn và chăm sóc lẫn nhau”. Trong khi đó, CEO Olympic và Paralympic Mỹ Sarah Hirshland cũng chia sẻ: “Lùi một bước khỏi cuộc tranh tài để chăm sóc cộng đồng của chúng ta và mỗi cá nhân là điều nên làm. Khoảnh khắc (chiến thắng) của bạn sẽ dành đợi cho đến khi chúng ta có thể tụ hợp lại một cách an toàn”.

“Hoãn Thế vận hội cho đến năm 2021 là một quyết định hết sức khôn ngoan. Tôi mong muốn được trở lại Nhật Bản để bảo vệ danh hiệu Olympic của mình vào năm tới và mong muốn được chứng kiến một sự kiện tuyệt vời. Tôi chúc mọi người có sức khỏe tốt trong thời gian thử thách này” - Eliud Kipchoge, kỷ lục gia marathon lừng danh người Kenya bày tỏ.

* Điều gì tiếp theo?

Nhật Bản đã thừa nhận rằng khoản đầu tư tổ chức Olympic Tokyo trị giá 12 tỷ USD của họ gặp rủi ro. Nước chủ nhà bây giờ sẽ phải tìm ra cách để duy trì chất lượng các địa điểm tổ chức trong 12 tháng nữa. Toshiro Muto, Giám đốc điều hành Ban tổ chức Olympic Tokyo, than thở ông vẫn chưa biết được sự chậm trễ ngoài dự kiến và bất ngờ này sẽ tốn bao nhiêu hoặc ai sẽ trả. “Rất nhiều điều có thể xảy ra trong một năm, vì vậy chúng tôi phải suy nghĩ về những gì chúng tôi phải làm” - ông Toshiro nói. Ngày khai mạc chính xác mới cho Thế vận hội kéo dài 1 tháng vào năm 2021 vẫn chưa được công bố. Cuộc diễu hành rước đuốc Olympic Tokyo 2020 dự kiến bắt đầu ngày 26-3 cũng bị hoãn lại và chờ lịch trình mới được thông báo sau.          

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều