Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh Phúc cảm ơn vì đã được thương

08:03, 13/03/2020

Có thời gian làm báo, rồi gắn bó lâu dài với nghề truyền thông xuất bản tại TP.HCM và vừa ra mắt cuốn sách đầu tay thuộc thể loại tản văn, tác giả Minh Phúc trong lời đầu sách có tiết lộ, thuở nhỏ "chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành một người viết".

Có thời gian làm báo, rồi gắn bó lâu dài với nghề truyền thông xuất bản tại TP.HCM và vừa ra mắt cuốn sách đầu tay thuộc thể loại tản văn, tác giả Minh Phúc trong lời đầu sách có tiết lộ, thuở nhỏ “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành một người viết”.

Trong cuộc chia sẻ xung quanh Cảm ơn vì đã được thương, Minh Phúc bộc bạch thêm: “Chỉ là tôi ghi chép lại những điều hết sức nhỏ bé bằng cái quan sát của một người hơi nhạy cảm. Nhưng, khi một ai đó đọc, và nói với tôi rằng, nhờ những thứ tôi viết, họ bỗng sống chậm lại, biết tử tế với bản thân mình hơn thì tôi thấy, hóa ra những gì mình viết cũng đôi phần có ích. Giống kiểu tôi hạnh phúc khi giới thiệu một cuốn sách hay đến với nhiều người. Và thật may, nhờ chữ nghĩa, tôi có thể viết ra những điều mà mình không thể nói bằng lời”.

Thương một cái cây

* Tôi ấn tượng với câu hỏi “Có bao giờ bạn chào một cái cây chưa?” trong một tản văn đầu tập của chị. Xem ra chị rất yêu thương cây cối vạn vật, hàng điệp rơi, nhạc ngựa mùa rụng lá, dây đậu biếc, bụi cỏ lau, nhánh hoa hồng… Chị nghĩ gì về những bóng hình “cỏ cây hoa lá” xung quanh cuộc sống con người nơi phố thị ồn ả? Chúng vô tri, liệu giúp ích gì được cho chúng ta?

- Tôi vốn sinh ra ở vùng nông thôn, thành ra, cỏ cây với tôi là một cái gì đó rất quen thuộc và thân thiết. Thói quen quan sát cây cối và tìm hiểu về chúng cũng là một thói quen tôi có từ nhỏ, chỉ để mình bớt cô đơn vì không có ai chơi. Nhưng nhờ như thế, mà tôi hay có quà “bí mật” do cây cối ban tặng. Kiểu như chỉ duy nhất tôi mới phát hiện ra, cây ổi bên cạnh nhà có trái chín, hay lúc cái nụ đầu tiên của cây mình trồng nở hoa, “đối thoại trong im lặng” mà hiểu nhau ghê gớm. Ở phố thị hay ở đâu cũng vậy thôi, tôi nghĩ không ai mà không từng cảm ơn bóng mát của những tàng cây trên phố.  Nếu không có chúng, thì đời sống của con người chắc trơ trọi và cằn khô biết chừng nào.

* Chủ đề hoài niệm, thương nhớ quê nhà, kỷ niệm thuở ấu thơ và tình mẹ (chị gọi bằng má) vốn được rất nhiều tác giả khai thác khi viết tản văn và chị cũng dành một phần lớn trọng tâm trong quyển sách của mình. Theo chị, vì sao người ta thường tái hiện ký ức bằng tản văn? Phải chăng nó như một dạng nhật ký ngày… tháng… năm, song được phủ lên một lớp xúc cảm mà thành?

- Với tôi, ký ức là thứ kết nối tôi với quá khứ và hiện tại, chuyện nọ với chuyện kia.  Những tản văn tôi viết, nó giống như mảnh ghép của những bức tranh trong hành trình đời người của mình. Tôi nghĩ, bất cứ ai cũng có kho báu ký ức của riêng mình, chỉ là có người lựa chọn kể ra và có người thì không.

Tôi đã học gì từ má

* Chị viết rất chi tiết và bằng sự quan sát tinh tế về chuyện bếp núc, nấu ăn của má ruột lẫn má chồng và không thể quên những “mùi hương góc bếp, mùi khói bếp nhà”. Có phải mỗi người phụ nữ bẩm sinh đều là người sành ẩm thực? Đọc tản văn của chị, tôi mường tượng ra ẩm thực chính là sợi dây kết nối giữa hai thế hệ má và chị, giữa chị và quê cũ. Vì sao khi chị đã nhiều năm tháng định cư ở thị thành, sợi dây ẩm thực này vẫn không hề mỏng đi dựa theo những gì chị kể?

Tản văn Cảm ơn vì đã được thương (NXB Trẻ phát hành trung tuần tháng 3-2020) của tác giả Minh Phúc được người đọc, nhất là bạn đọc nữ, yêu thích và đồng cảm bởi những hoài niệm tinh tế, trong lành.

- Má tôi lẫn má chồng đều chỉ nấu những món rất thường thức, họ cũng không sành ẩm thực, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, không chỉ là món ăn, họ còn đem đến cho tôi những câu chuyện cảm động liên quan tới chúng. Hồi tôi xem phim Ratatouille, cái cảnh ông Ego - nhà phê bình ẩm thực danh tiếng khi ăn món ăn do đầu bếp chuột nấu, đã sững sờ bởi món ăn đó chạm vào ký ức làm ông nhớ đây chính là món mẹ ông nấu cho ông ăn lúc nhỏ khiến tôi nhớ mãi. Cảm xúc về món ăn tuổi thơ và vị quê nhà rất đặc biệt với mỗi người, nên dù có ở thành thị lâu đến mấy, tôi vẫn muốn giữ những điều đó, để chia sẻ lại với cậu con trai của mình.

* Ngày nay, nhiều cô gái thị thành theo lối sống hiện đại, vai trò xã hội cũng có sự thay đổi, nên ít dần, quên dần chuyện vào bếp thường xuyên, thiên về ăn cơm hàng cháo chợ, lướt phone “order” (đặt mua) là mọi thức ăn đều “delivery” (giao hàng) đến tận nhà. Chị nhìn nhận về điều này như thế nào?

- Tôi nghĩ mọi người có cách để sống sao cho mình cảm thấy tử tế với bản thân là được. Rất nhiều phụ nữ không biết và không muốn nấu ăn, nhưng họ sành ăn và đã ăn thì rất sành điệu. Tôi cũng tin rằng, phụ nữ có cái gọi là “Trí thông minh bếp núc”, hễ muốn nấu, họ sẽ nấu ngon.

* Ít nhất hai lần cụm từ “năng lượng tích cực” xuất hiện trong sách của chị. Chị nghĩ gì về năng lượng tích cực trong đời sống hiện đại hôm nay và làm thế nào để người phụ nữ tạo được điều đó cho chính mình, rồi còn lan truyền, “cống hiến” (từ dùng của chị) cho những người xung quanh?

- Tôi có cái may là có đầu óc luôn nghĩ về điều tươi sáng. Chẳng hạn, gặp một vài biến cố, chọn giữa việc dành thời gian than thở buồn rầu, tôi sẽ chọn đi trồng một cái cây, đọc một cuốn sách, cắm một bình hoa. Đó là cách tự thưởng cho bản thân mình qua một ngày kiệt sức và mệt mỏi. Làm đẹp mình, làm đẹp không gian mình sống, cũng là một cách lan truyền điều tích cực cho những người (chẳng may) đã luôn ở bên cạnh mình.

“Những cái cây, không khi này thì khi khác, không nơi này thì nơi khác, chúng đều đặn ở bên tôi, ngắm nhìn tôi, như những người bạn luôn có mặt bất cứ nơi nào tôi đến. Tôi và chị bạn đã có những ngày cùng ngồi bên nhau dưới những bóng cây, chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện: những chuyện tình trong veo, những người chớm yêu thương, những vớ vẩn buồn cười không đâu vào đâu, những khát vọng tuổi trẻ xanh màu... Những cái cây giản dị và khiêm nhường, đã giữ gìn tuổi trẻ của chúng tôi, đã gìn giữ ký ức của tôi. Có thể chúng không còn nữa, như tuổi trẻ vậy, nhưng chúng giúp tôi nhận ra rằng, nơi đó, giây phút đó, là cuộc đời mình, những thứ thuộc về riêng mình mà không phải của bất kỳ ai khác” (trích Và ta đã lớn lên cùng những cái cây - Minh Phúc) .  

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều