Báo Đồng Nai điện tử
En

Truyền thống trọng phụ nữ trong văn hóa Việt Nam

03:03, 27/03/2020

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã xem trọng người phụ nữ. Dù có những giai đoạn bị ảnh hưởng và giao thoa với nền văn hóa khác nhưng giá trị văn hóa tốt đẹp ấy vẫn luôn được giữ gìn và trao truyền, phát triển qua nhiều thế hệ.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã xem trọng người phụ nữ. Dù có những giai đoạn bị ảnh hưởng và giao thoa với nền văn hóa khác nhưng giá trị văn hóa tốt đẹp ấy vẫn luôn được giữ gìn và trao truyền, phát triển qua nhiều thế hệ.

Thời kỳ đầu của lịch sử báo chí Việt Nam đã có những tờ báo, tạp chí dành riêng cho phụ nữ. Trong ảnh: Một số bìa báo dành cho nữ giới cách đây khoảng 1 thế kỷ.  Nguồn ảnh: Bảo tàng phụ nữ Nam bộ
Thời kỳ đầu của lịch sử báo chí Việt Nam đã có những tờ báo, tạp chí dành riêng cho phụ nữ. Trong ảnh: Một số bìa báo dành cho nữ giới cách đây khoảng 1 thế kỷ. Nguồn ảnh: Bảo tàng phụ nữ Nam bộ

* Trọng phụ nữ - bản sắc văn hóa từ ngàn đời

Trong truyền thống Việt Nam, tinh thần của văn hóa nông nghiệp định cư coi trọng ngôi nhà, coi trọng cái bếp, coi trọng người phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét. Tục ngữ Việt Nam chứa đựng không ít những câu thể hiện điều này như: Nhất vợ nhì trời, Lệnh ông không bằng cồng bà, Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng…

Phụ nữ Việt Nam được xem là người có trách nhiệm quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình, dân gian gọi họ là người Tay hòm chìa khóa, đề cao vai trò, đóng góp của họ trong gia đình Của chồng công vợ. Phụ nữ Việt Nam được xem là người có vai trò quyết định trong việc giáo dục con: Phúc đức tại mẫu, Con dại cái mang (thành ngữ).

Không phải ngẫu nhiên mà vùng nông nghiệp tiêu biểu - khu vực Đông Nam Á này được nhiều học giả phương Tây gọi là “xứ sở Mẫu hệ”. Cho đến tận bây giờ, ở các dân tộc ít chịu hoặc hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Chăm và nhiều dân tộc ở Tây  nguyên, vai trò phụ nữ vẫn rất lớn, phụ nữ chủ động trong hôn nhân, chồng về ở nhà bên vợ, các con đặt tên theo họ mẹ…

Vì tầm quan trọng của người mẹ, cho nên trong tiếng Việt, từ “cái” vốn có nghĩa là “mẹ” đã được chuyển nghĩa thành “lớn, quan trọng, chủ yếu”  như: sông cái, đường cái, đũa cái, cột cái, ngón tay cái, chữ cái…

Sau này, khi chế độ phụ quyền được xác lập do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, người dân đã phản ứng dữ dội qua bài ca cao: Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/ Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.

Trong các bài giảng về Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS-TS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm còn nhấn mạnh đặc trưng: ông cha ta với đặc trưng văn hóa nông nghiệp, thiên về âm tính dẫn đến lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là thờ nhiều nữ thần. Vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực cho nên các nữ thần của ta, của dân tộc chính là các Bà Mẹ, các Mẫu. Trước hết đó là các Bà Trời như: Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Cửu Trùng. Ở Huế là Thiên Mụ, Thiên Yana. Bà Đất với tên Mẹ Đất - Địa Mẫu. Ở nhiều vùng, Bà Đất, Bà Nước còn tồn tại dưới dạng nữ thần khu vực như Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Sông… Trong dân gian, ba thần này còn được thờ chung như Tam Phủ cai quản 3 vùng trời - đất - nước: Mẫu Thượng Thiên - Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Ngoài ra còn có các Bà Mây - Mưa - Sấm - Chớp, Ngũ hành Nương Nương, Mười hai bà Mụ…

* Luôn giữ gìn truyền thống

Theo GS-TS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, trải qua quá trình phát triển liên tục, cũng như các nền văn hóa khác, văn hóa Việt Nam đã phát triển trong sự giao thoa mật thiết với văn hóa khu vực. Do đó, nền văn hóa Việt Nam thời kỳ sau này, đặc biệt là từ khi nhà Lê lấy Nho giáo làm quốc giáo, chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hóa Trung Hoa.

Lúc này, văn hóa Việt Nam “du nhập” các tư tưởng, quan niệm của Nho giáo như: Nam tôn nữ ty, Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, thuyết Tam tòng (Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử)… Nhiều người nếu không liên hệ đến cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng như tiến trình văn hóa của dân tộc, thì có thể “tưởng” rằng các quan niệm đó vốn có ở Việt Nam từ ngàn xưa và khó lý giải được nguyên căn vấn đề.

Thực tế, trong quá trình giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ông cha ta vẫn có sự chọn lọc trong tiếp nhận văn hóa, giữ gìn được những bản sắc văn hóa dân tộc. Chẳng hạn, trong khi truyền thống người Trung Hoa luôn coi trọng đàn ông, thì tại Việt Nam, ngay cả lúc Nho giáo cực thịnh, người Việt vẫn giữ được phần nào truyền thống coi trọng phụ nữ. Trong Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long) - hai bộ luật ra đời vào những thời kỳ Nho giáo phát triển, nhưng nét đáng chú ý ở hai bộ luật này chính là tinh thần dân chủ, mà một biểu hiện quan trọng là truyền thống trọng phụ nữ.

Luật Hồng Đức đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật giành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322). Điều 308 cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi ly hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do 2 vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.

Còn Luật Gia Long theo luân lý Trung Hoa cho phép đàn ông có 7 cớ bỏ vợ (gọi là có quyền bỏ vợ, gọi là thất xuất) nhưng đồng thời lại đặt ra 3 trường hợp người đàn ông không có quyền bỏ vợ (gọi là tam bất khả xuất) để hạn chế bớt thiệt thòi cho phụ nữ. Luật Gia Long cũng cấm chồng không được bán vợ, không được bắt vợ làm thuê, không được hạ vợ chính xuống làm nàng hầu. Khoản 268 điều 17 còn cấm đàn ông không được dùng lời nói sàm sỡ, thô tục để xúc phạm người phụ nữ, nếu người phụ nữ vì thế mà tự vẫn thì người đàn ông sẽ bị xử tội.

* Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp

Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III vào ngày 9-3-1961, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh rằng: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...” .

Ngày nay, những quyền cơ bản của phụ nữ Việt Nam được nêu rõ trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật BHXH, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... 

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan, quyền của phụ nữ Việt Nam trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật tựu trung đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là: bình đẳng và ưu tiên. Theo đó, bên cạnh những quyền bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật, pháp luật Việt Nam còn có những quyền ưu tiên trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu... Những ưu tiên này tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện năng lực của mình, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.

“Ngày nay phụ nữ Việt Nam với 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” luôn ngày càng phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt để khẳng định năng lực của mình, có những đóng góp được gia đình - xã hội tôn vinh. Tôi thiết nghĩ, đó cũng chính biểu hiện cụ thể và rõ nét về sự phát triển, tiến bộ của xã hội, trên cái nền bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan chia sẻ.

Lâm Viên

Tin xem nhiều