Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn kiến trúc của kỹ sư Gustave Eiffel tại Biên Hòa

09:04, 17/04/2020

Kỹ sư tài ba người Pháp G.Eiffel được biết đến là người đã thiết kế nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Tiêu biểu trong đó là tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp. Trong thời kỳ khai thác thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, nhiều công trình công cộng ra đời mang theo những dấu ấn kiến trúc của ông. Tại Biên Hòa - Đồng Nai, có hai cây cầu được thiết kế xây dựng bởi vị kỹ sư này.

Kỹ sư tài ba người Pháp G.Eiffel được biết đến là người đã thiết kế nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Tiêu biểu trong đó là tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp. Trong thời kỳ khai thác thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, nhiều công trình công cộng ra đời mang theo những dấu ấn kiến trúc của ông. Tại Biên Hòa - Đồng Nai, có hai cây cầu được thiết kế xây dựng bởi vị kỹ sư này.

* Đôi nét về Gustave Eiffel

Alexander Gustave Eiffel sinh ngày 15-12-1832 tại Dijon, Pháp và mất ngày 27-12-1923 tại thủ đô Paris. Ông được biết tới là một kỹ sư kết cấu, nhà thầu và đồng thời là một nhà khí tượng học. Ông tốt nghiệp trường École Centrale des Arts et Manufactures - nơi đào tạo kỹ thuật và công nghệ châu Âu.

Năm 1864, với sự giúp đỡ của người mẹ, G.Eiffel đã thành lập một công ty riêng chuyên về kết cấu, cũng là sở trường thiên phú của ông. Công ty này từng tồn tại dưới 3 tên gọi chính là: Xưởng G. Eiffel (1858-1893); Công ty Xây dựng Levallois Perret (1893-1937) và Công ty Eiffel (kể từ năm 1937). Dấu ấn của G.Eiffel trên thế giới thể hiện qua các công trình nổi tiếng như: tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự Do, nhà ga lớn Budapest…

Tại Việt Nam, công ty của ông thực hiện các công trình nổi bật như: Bến cảng Sài Gòn (1901-1915); Bến Nhà Rồng (1927-1929); Cầu Kinh Tẻ; trùng tu cầu Tràng Tiền (Huế)… Cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh tại tỉnh Biên Hòa thời ấy cũng do Công ty Eiffel thiết kế và thực hiện.

* Bối cảnh ra đời hai cây cầu

Ngay từ năm 1862, chính quyền Pháp đã nghĩ tới việc xây dựng đường sắt ở Nam kỳ, trước hết để nối Sài Gòn với Biên Hòa và với Tây Ninh, sau đó để nối Sài Gòn với Mỹ Tho nhưng dự định lúc đó chưa được thực hiện.

Trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, dưới thời kỳ Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), giao thông vận tải là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất của tư bản Pháp tại Đông Dương.

Cầu Ghềnh trong tư liệu ảnh xưa
Cầu Ghềnh trong tư liệu ảnh xưa. Ảnh tư liệu

Vào năm 1901, các nhà ga và tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Phan Thiết và sau đó từ Phan Thiết ra Nha Trang bắt đầu được xây dựng. Việc xây dựng các cây cầu qua những con sông lớn cũng được tiến hành trong thời của Paul Doumer. Tháng 2-1902, việc bắc cầu sắt Bình Lợi qua sông Sài Gòn, nối liền Sài Gòn với Biên Hòa được hoàn thành. Cùng thời điểm này, cầu Rạch Sỏi (Hà Tiên) đi vào hoạt động, trở thành cây cầu dài nhất ở miền Tây Nam kỳ lúc bấy giờ.

Tại Biên Hòa vào năm 1901, thực dân Pháp cho triển khai việc đào móng thi công cầu Ghềnh bắc qua mỏm Tây của cù lao Phố. Cho đến năm 1903, hai chiếc cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh do Công ty Eiffel thiết kế và thi công bắc ngang qua sông Đồng Nai đã được hoàn thiện. Và tới ngày 14-1-1904, cầu Ghềnh chính thức được khánh thành góp phần giúp tuyến đường sắt nối Biên Hòa - Sài Gòn đi vào hoạt động. Hai chiếc cầu đóng vai trò vừa là đường cho xe lửa đi lại trên tuyến đường sắt nối liền Sài Gòn với Biên Hòa và cũng là huyết mạch giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 1.

* Cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh

Cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh được hoàn thành cùng thời điểm năm 1903. Tên gọi “Rạch Cát” xuất phát từ việc cầu nằm trên nhánh sông Sa Hà và có chiều ngang nhỏ như một con rạch. Còn lý do gọi là “cầu Gành” được lý giải bởi sự xuất hiện những gành đá tảng lớn dưới đáy sông. Mỗi khi thủy triều xuống, những tảng đá to lớn nổi lên rất rõ. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc sử dụng tên “cầu Gành” hay “cầu Ghềnh”. Sau này, hai chiếc cầu còn có thêm các danh xưng khác là cầu Đồng Nai nhỏ (cầu Rạch Cát) và cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh).

Cầu Rạch Cát trong tư liệu ảnh xưa. Ảnh tư liệu
Cầu Rạch Cát trong tư liệu ảnh xưa. Ảnh tư liệu

Về mặt kết cấu, theo nhận định của kỹ sư Vũ Đức Thắng: “Cầu Rạch Cát có dạng giống cầu Ghềnh, nhưng nhỏ hơn, dùng 3 nhịp giàn thép 41,5m, kể cả khe đầu dầm thành 125m. Các giàn thép cũng được thiết kế đồng dạng với cầu Gành như anh em sinh đôi. tạo nên ấn tượng cây cầu vẫn to, cân đối hài hòa”. Sau một đợt sửa chữa, nhịp cầu giữa được thay thế bằng nhịp cầu vuông. Chung quanh các mố cầu có giàn thanh sắt chống tàu thuyền va đập nhằm đảm bảo an toàn cho cầu. Còn với cầu Ghềnh, ông cho rằng: “Cầu Ghềnh gồm 4 nhịp dầm vòm thép chiều dài 56m, chiều cao 9m có kiểu dáng kiến trúc mỹ quan hài hòa với cảnh đẹp của dòng sông êm đềm soi bóng các hàng dừa xoài và cổ thụ xanh mát của miền đất Đồng Nai. Các trụ cầu đặt trên các nền móng giếng chìm khối lớn, là kiểu móng cầu thông dụng của những năm đầu thế kỷ XIX. Kỹ thuật thi công đơn giản, kết hợp máy móc công nghệ của Pháp với nhân lực thợ Việt Nam. Trụ mố cầu được thi công với chất lượng tốt. Dầm cầu được thiết kế theo kiểu giàn vòm thanh thẳng là thành tựu công nghệ sắt thép tiên tiến của thời kỳ đầu thế kỷ XX”.

Trải qua hơn trăm năm, hai cây cầu được thiết kế bởi vị kỹ sư người Pháp vẫn góp phần nhất định tạo nên bộ mặt cảnh quan của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy rằng, cây cầu Ghềnh ngày xưa nay đã không còn (do tai nạn sà lan đâm sập vào năm 2016), nhưng những dấu ấn mà nó để lại sẽ vẫn còn hằn in trong ký ức của người dân nơi đây.

Minh Khôi

* Bài viết có tham khảo thông tin từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có: Trần Hữu Quang, Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016; Wikipedia “Cầu  Ghềnh”…

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích