Báo Đồng Nai điện tử
En

Giễu nhại trong truyền thông: Mong manh nghệ thuật - chuyện đùa

05:04, 19/04/2020

Những tuần qua, thỉnh thoảng chúng ta nghe một bài hát cũ được đặt lời mới, bài thơ nổi tiếng được sửa từ ngữ nhằm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19… Hình thức sáng tạo ấy là nghệ thuật giễu nhại. Đó là cách "chế" lại tác phẩm gốc để tạo ra hiệu quả nghệ thuật khác trong những bối cảnh diễn xướng, trình bày nhất định.

Những tuần qua, thỉnh thoảng chúng ta nghe một bài hát cũ được đặt lời mới, bài thơ nổi tiếng được sửa từ ngữ nhằm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19… Hình thức sáng tạo ấy là nghệ thuật giễu nhại. Đó là cách “chế” lại tác phẩm gốc để tạo ra hiệu quả nghệ thuật khác trong những bối cảnh diễn xướng, trình bày nhất định.

Bức tranh nổi tiếng thế giới của danh họa Leonard de Vinci hiện có hàng ngàn tác phẩm giễu nhại. Tác phẩm giễu nhại mới nhất là hình ảnh Mona Lisa đeo… khẩu trang!
Bức tranh nổi tiếng thế giới của danh họa Leonard de Vinci hiện có hàng ngàn tác phẩm giễu nhại. Tác phẩm giễu nhại mới nhất là hình ảnh Mona Lisa đeo… khẩu trang!

Mà không chỉ có thơ, nhạc… khi công nghệ phát triển, những tấm hình “troll” được xử lý từ tấm hình thật, những tác phẩm hội họa hay thậm chí một điệu múa được nhại từ một tác phẩm nghiêm túc… vẫn được khai thác để phục vụ cho những mục đích nghệ thuật nhất định, trong những thời điểm nhất định. Tách khỏi bối cảnh ấy, môi trường ấy, sản phẩm sáng tạo phái sinh này có khi là… sản phẩm lỗi!

Giễu nhại là sáng tạo, là nghệ thuật

Báo Tuổi Trẻ Cười có những mục cho phép các tác giả sáng tạo bằng hình thức mượn giai điệu ca khúc hay lời ca dao để “chế” lại lời mới cho một nội dung châm biếm đả kích nào đó. Nhiều tờ báo trên thế giới cũng hay khai thác các tác phẩm hội họa nổi tiếng để “giễu nhại” thành những tác phẩm phái sinh nhằm tạo ra tiếng cười có chủ ý nhưng không hề vi phạm bản quyền tác phẩm gốc vì người thưởng thức hiểu rõ ý đồ, biết đặt tác phẩm vào bối cảnh và tình huống mới!

Hình ảnh gương mặt Nữ thần Tự Do - biểu tượng của nước Mỹ - được giễu nhại như một bệnh nhân đang phải dùng máy thở trong điều trị Covid-19. Minh họa của các tác giả Michael Meissner & Mona Eing Báo DER SPIEGEL để diễn đạt tình trạng khủng hoảng hiện nay của Mỹ trước đại dịch
Hình ảnh gương mặt Nữ thần Tự Do - biểu tượng của nước Mỹ - được giễu nhại như một bệnh nhân đang phải dùng máy thở trong điều trị Covid-19. Minh họa của các tác giả Michael Meissner & Mona Eing Báo DER SPIEGEL để diễn đạt tình trạng khủng hoảng hiện nay của Mỹ trước đại dịch

Trong đời sống văn hóa, trên thế giới và ở nước ta, cả ngày xưa đến thời hiện đại, giễu nhại là thủ pháp, là sự sáng tạo, là nghệ thuật. Đó là thủ pháp bắt chước một cách quá lố một câu thơ, một bài thơ, một đoạn phim, một trích đoạn kịch, một ca khúc, một bức tranh (tất nhiên đa phần những tác phẩm bị/được nhại là những tác phẩm nổi tiếng).

Bản thân người viết bài này mấy chục năm trước có nhiều dịp ngồi hầu rượu các nhạc sĩ: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Ca Lê Thuần, Diệp Minh Tuyền, Thế Bảo… khi các chú về Biên Hòa làm giám khảo “Tiếng hát truyền hình Đồng Nai”. Một trong những chuyện vui của các nhạc sĩ lúc gặp nhau là chuyện nhạc chế “lời hai”. Nhạc sĩ Xuân Hồng sưu tập được rất nhiều lời bài hát nhại ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo và hát cho mọi người cùng nghe. Kiểu như “Bắt chị sui đẩy lùi lên ván gõ. Bắt anh sui nằm kế chị sui. Tình thông gia ai nói thây kệ cha!”. Có một điều tôi nhận thấy, trong khi kể/hát về “lời 2”, “lời 3” những ca khúc của mình… nhiều nhạc sĩ lấy làm tự hào: Giai điệu ấy có hay mới được bà con thích như thế!

Nhiều người từng đi bộ đội đều biết lời nhại một ca khúc nổi tiếng của Trần Chung, Bước chân trên đỉnh Trường Sơn: “Ta là con của bố ta mẹ ta/ Nhớ nhà là ta tút ta về/ Ta không cần ba-lô không cần may-ô chỉ cần lương khô… Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn…”. Lời nhại này phổ biến khá nhanh trong sinh hoạt của bộ đội. Cũng như trong các căn cứ kháng chiến thời chống Mỹ, bài hát của Lư Nhất Vũ từng có lời 2 rất ngộ: “Chim kêu, chim kêu nghe buồn thấy mẹ, chim kêu hoài chết mẹ nghe chim…” nghe nói ai cũng nhớ.

Có nhiều bài hát mà lời nhại của nó đến hàng chục dị bản như Huyền thoại mẹ, Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn.

Tuổi Trẻ Cười là ấn phẩm thường dùng các thủ pháp giễu nhại trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhưng những tác phẩm đó phải được đọc trong chính “bối cảnh” tờ báo
Tuổi Trẻ Cười là ấn phẩm thường dùng các thủ pháp giễu nhại trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhưng những tác phẩm đó phải được đọc trong chính “bối cảnh” tờ báo

* Ranh giới mong manh

Nhại cũng có nhiều cấp độ về hình thức: Nhại cấu trúc, nhại giai điệu, nhại nhạc điệu (thơ), nhại từ, nhại câu, nhại toàn văn bản, nhại chi tiết (của một bức tranh), nhại nhân vật của tác phẩm… và nội dung như nhại chỉ để giải trí, nhại để châm biếm, nhại để đả kích…

Cha ông ngày xưa có hình thức tập cổ, tập Kiều. Các nhà báo thời nay cũng dùng nhiều hình thức nhại để sáng tạo tác phẩm báo chí. Cái tít một bài báo như Em ơi, Hà Nội… chóp viết về tình trạng xây dựng kiến trúc lộn xộn ở thủ đô cũng là hình thức nhại (chẳng lẽ nhạc sĩ Phú Quang hay nhà thơ Phan Vũ kiện vì vi phạm bản quyền!). Trong báo Tuổi Trẻ Cười và nhiều trang báo có dùng thể loại tiểu phẩm, hình thức giễu nhại được sử dụng rất đắt. Nhân vật Sherlock Home chẳng hạn, cũng được nhiều nhà báo đưa vào tiểu phẩm của mình để diễn đạt nội dung châm biếm chuyện đời sống hiện đại ở Việt Nam.

Sau khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, hàng trăm hình ảnh “chế” để chúc mừng đội tuyển và HLV Park Hang-seo. Những bức hình chế đều có ý tưởng vui, tuy nhiên đôi chỗ các bạn trẻ cũng hơi… quá đà!
Sau khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, hàng trăm hình ảnh “chế” để chúc mừng đội tuyển và HLV Park Hang-seo. Những bức hình chế đều có ý tưởng vui, tuy nhiên đôi chỗ các bạn trẻ cũng hơi… quá đà!

Một câu thơ Kiều được nhại khá độc đáo, rất nhiều người thuộc nhưng không ai cho đó là sự xúc phạm Nguyễn Du: Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô mới được phần may ô (Nguyên văn: Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao).

Bức họa nổi tiếng của Leonard de Vinci, bức tranh vẽ nàng Mona Lisa, có lẽ là tác phẩm hội họa được nhại nhiều nhất.

Mà phàm trong chuyện giễu nhại, những cái được xem là trang trọng khi được nhại để nói những chuyện tầm thường, tầm phào mới tạo ra tiếng cười. Và mục đích của người sáng tạo trong trường hợp này chính là tạo ra tiếng cười vui, hoặc châm biếm, đả kích…

Nhại lời ca khúc - trong chừng mực nào đó, trong không gian sinh hoạt nào đó - cũng là một hình thức sáng tạo dân gian, một thủ pháp nghệ thuật. Những sáng tạo như thế trong các hình thức sinh hoạt như tiệc tùng, họp mặt thì ai trong chúng ta cũng từng biết, từng thưởng thức hay tham gia.

Tất nhiên không ai ủng hộ những cách giễu nhại thiếu văn hóa, dung tục. Và tất nhiên, chúng ta cũng không ủng hộ việc dùng giễu nhại này để phục vụ cho những ý đồ xấu và lại khai thác để kinh doanh. Giễu nhại là thủ pháp chỉ tạo hiệu quả nếu đặt đúng chỗ, đúng bối cảnh.

Giễu nhại, một nghệ thuật “đi giữa” chuyện đùa và nghiêm túc cần được người dùng thủ pháp ấy cũng như công chúng truyền thông thận trọng sáng tạo và trong tiếp cận!

Hiện nay, trong đời sống truyền thông mạng xã hội, các hình thức giễu nhại được khai thác rất nhiều để tạo tiếng cười. Tuy nhiên, đã có sự khai thác quá lố, vượt qua ranh giới giữa giễu nhại và làm giả. Những bức ảnh “chế” đôi lúc trở thành “fake news” (thông tin giả) nếu không đặt đúng bối cảnh và bị hiểu sai do quá trình chia sẻ. Đó là chưa nói có một số người cố ý dùng các thủ thuật photoshop để chỉnh sửa không vì mục đích giễu nhại tạo ra tiếng cười mà vì những động cơ xấu.

Phan Văn Tú

Tin xem nhiều