Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt tay chào nhau có còn sau đại dịch?

04:05, 08/05/2020

Trên truyền hình thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới cầu thủ, nghệ sĩ, chuyên gia, bác sĩ… tự đặt máy quay, nhìn vào ống kính và trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên đang ở cách đó khá xa, thậm chí có khi tới nửa vòng trái đất.

Trên truyền hình thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới cầu thủ, nghệ sĩ, chuyên gia, bác sĩ… tự đặt máy quay, nhìn vào ống kính và trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên đang ở cách đó khá xa, thậm chí có khi tới nửa vòng trái đất.

Những khoảng cách giao tiếp cá nhân phổ biến ở phương Tây (giao tiếp thân mật, giao tiếp cá nhân, giao tiếp xã hội, giao tiếp công cộng)
Những khoảng cách giao tiếp cá nhân phổ biến ở phương Tây (giao tiếp thân mật, giao tiếp cá nhân, giao tiếp xã hội, giao tiếp công cộng)

Không cần gặp nhân vật mà vẫn thực hiện phỏng vấn truyền hình được. Tất nhiên, đó là việc “chẳng đặng đừng” do hoàn cảnh “giãn cách xã hội” trong khoảng thời gian nhất định để phòng, chống dịch. Dẫu vậy, Covid-19 đã và đang làm thay đổi nhiều thứ trong giao tiếp xã hội.

* Trái bóng vô hình

Một cô gái trẻ vào thang máy chung cư và gặp một người đàn ông lạ. Cô gái sẽ cảm thấy an toàn với khoảng cách là toàn bộ chiều rộng của thang máy. Nếu người đàn ông đứng gần lại, xu hướng là cô gái sẽ nhích ra xa. Và trong hoàn cảnh này, nếu người đàn ông đến gần hơn 1/2 chiều rộng của thang máy thì cô gái sẽ chuẩn bị tư thế phòng vệ. Nếu người đàn ông “cả gan” xóa bỏ khoảng cách, nhiều khả năng anh ta sẽ bị “ăn” một cú đá hoặc một cái bạt tai.

Màn hình smartphone chật hẹp nên nhiều giao tiếp trên không gian mạng đều cần phải “ngồi gần”. Điều này dẫn đến việc, dù là chat video hay học/họp nhóm, mọi người đều có thể nhìn nhau thật gần. Không gian giao tiếp trên mạng ngày một trở nên dễ dàng, nên thay vì 1 tuần thăm nhau một lần, giờ không đến được, những người thân trong một gia đình có thể gặp nhau hằng ngày, qua webcam.

Tình huống giả định ấy cho thấy, mỗi người chúng ta đều mang theo, hoặc nói cách khác, là đang được bao bọc bởi một “trái bóng vô hình”, mỏng manh dễ vỡ. Quả bong bóng ấy có thể to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa mà người đó sinh trưởng, tùy thuộc vào môi trường cụ thể mà người đó tồn tại, vào đối tượng cụ thể mà người đó giao tiếp. Quả bóng vô hình ấy có đường kính lên đến hàng chục mét hoặc cũng có thể thu nhỏ vừa đúng bằng con người thật của chủ thể…

Hiểu một cách nôm na, đó chính là giới hạn mà chủ thể có được cảm giác an toàn thoải mái, trong tương quan với những người xung quanh.

Và vì là “trái bóng” nên nó vốn dễ bị tổn thương. Cũng giống như, mỗi người đều rất dễ cảm thấy ngượng ngùng, khó chịu, hoảng sợ, thậm chí phản kháng dữ dội… khi giữa mình và các đối tượng xung quanh không được duy trì một khoảng cách thích hợp. Mỗi chúng ta đều có thể quan sát để nhận ra, “quả bong bóng” vô hình của riêng mình đang tồn tại như thế nào. Điều thú vị là, quả bong bóng này còn được đo bởi nhiều yếu tố khác, ví dụ như mùi hương, âm thanh… chẳng hạn. Nên quả bong bóng cũng có thể bị tổn thương nếu ai đó xung quanh sử dụng mùi nước hoa nồng nặc, hoặc nói quá lớn.

Các nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát và đưa ra vài thống kê:

Khoảng cách cá nhân khi tương tác giữa bạn thân hay người nhà: khoảng gần 46-76cm; khoảng xa 76-122 cm. Khoảng cách xã hội khi giao tiếp với người quen biết: khoảng gần 1,2-2,1m; khoảng xa 2,1-3,7m. Khoảng cách công cộng khi phát ngôn trước công chúng: khoảng gần 3,7-7,6m; khoảng xa 7,6m hoặc hơn. Tuy nhiên, đây là các kết quả nghiên cứu của phương Tây. Phương Đông chưa có nghiên cứu về khoảng cách giao tiếp như thế. Và thực tế, “quả bóng” vô hình ấy rất khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra: “những người sống ở nơi có mật độ dân số cao thường có yêu cầu thấp về không gian cá nhân. Công dân của Ấn Độ hay Nhật Bản thường có không gian cá nhân nhỏ hơn những người ở thảo nguyên Mông Cổ.”

* Và câu chuyện thời dịch Covid-19

Gia đình Chris ở một thị trấn nhỏ của nước Anh mấy ngày qua chìm trong lo lắng. Mẹ Chris bệnh nặng nhưng con cháu đều không được về thăm vì dịch bệnh. Mọi việc đều trông cả vào nhân viên y tế. Những ngày qua, giãn cách xã hội đang trở thành yêu cầu tối quan trọng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. “Quả bóng vô hình” được xác định ít nhất là 2m trong mọi tình huống giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp ngoài gia đình. Việc ai ở đâu ở yên đó đã khiến cho rất nhiều người thân không đến được với nhau trong một thời gian dài và mọi không gian giao tiếp đều được khuyến khích giãn rộng thêm, đặc biệt ở những quốc gia có tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Học trực tuyến cũng là hình thức giao tiếp xã hội đặc biệt, ở đó các khoảng cách vật lý rất xa được kéo lại gần
Học trực tuyến cũng là hình thức giao tiếp xã hội đặc biệt, ở đó các khoảng cách vật lý rất xa được kéo lại gần

Hàng ngàn du học sinh Việt Nam trong các trung tâm cách ly ở nước ngoài những ngày qua đang học online. Khoảng cách vật lý giữa thầy và trò là hàng vạn dặm. Hình thức học này đang được phổ biến trên phạm vi toàn cầu và dự kiến sẽ trở thành một phương thức học tập phổ cập ngay cả sau khi dịch bệnh kết thúc.

Khi những nhân vật của truyền hình trả lời phỏng vấn online bằng cách tự ghi hình, họ tạo ra một thực tế thú vị là, khoảng cách vật lý trong kết nối trực tuyến dù xa cả nửa vòng trái đất như thế nhưng dường như sự gần gũi có phần tăng thêm.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng - cầu thủ tuyển quốc gia và CLB TP.HCM trả lời phỏng vấn VTV từ xa bằng hình thức tự quay phim
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng - cầu thủ tuyển quốc gia và CLB TP.HCM trả lời phỏng vấn VTV từ xa bằng hình thức tự quay phim

Trong những khung hình nhân vật tự ghi (thường dùng smartphone) để trả lời phỏng vấn phóng viên, họ đều nhìn vào ống kính như là đang video call với người thân. Và vì thế, khi xuất hiện trên truyền hình, họ gần như nhìn vào khán giả, rất tự nhiên, thoải mái. Cuộc phỏng vấn thông thường là giao tiếp nhân vật - khán giả phải qua trung gian phóng viên giờ đã trở thành giao tiếp trực tiếp nhân vật - khán giả.

Mà không phải chuyện phỏng vấn truyền hình hay chuyện lớp học online, Covid-19 đã làm thay đổi cách giao tiếp xã hội. Bắt tay chào nhau hàng thế kỷ qua đã thành thông lệ quốc tế, dành cho các tầng lớp và phổ biến từ Âu sang Á, giờ đây đang bị hạn chế. Những cái ôm, những nụ hôn cũng bị hạn chế. Chưa ai dự đoán đến bao giờ các nghi thức giao tiếp này quay lại bình thường. Thậm chí, chưa chắc nó có thể trở lại bình thường vì diễn biến của đại dịch chưa kết thúc và nhân loại chưa tìm ra cơ chế lây lan chính.

May thay chúng ta còn có internet và công nghệ truyền thông. Xã hội bị giãn cách không gian vật lý nhưng lại nối kết nhau trên không gian điều khiển.

Thời Covid này, người ta phải liên hệ xuyên không gian hằng ngày, hằng giờ, phương cách nào tiện lợi sẽ được tận dụng.

Giờ đây, có lẽ không phải là lúc chọn lựa phương tiện, không phải là lúc câu nệ hình thức, mà người người trên thế giới đang tận dụng tối đa mọi phương cách có thể, để được gần nhau hơn (và thực hiện phòng dịch tốt) dẫu không trực tiếp gặp nhau.

Thanh Huyền

Tin xem nhiều