Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh chưa kết thúc, người dân cần cảnh giác cao độ

10:05, 08/05/2020

Sau nhiều ngày cả nước không có ca lây nhiễm mới dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, việc nới lỏng giãn cách xã hội vẫn đang được thực hiện một cách thận trọng. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh

Sau nhiều ngày cả nước không có ca lây nhiễm mới dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, việc nới lỏng giãn cách xã hội vẫn đang được thực hiện một cách thận trọng. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Phản ứng nhanh với dịch bệnh

* Nhìn lại sau hơn 100 ngày phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế đã chuẩn bị ra sao trong việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, thưa ông?

- Suốt những tháng qua, Đồng Nai chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt. Kết quả này là sự đồng lòng chống dịch của tất cả người dân và hệ thống chính trị. Trước hết, công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất xuyên suốt, kịp thời. Đồng Nai cũng là tỉnh thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện rất sớm.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Riêng ngành Y tế đã chứng tỏ được năng lực thực sự của hệ y tế dự phòng. Những năm qua, hệ y tế dự phòng đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết... Với các loại dịch bệnh này, hệ dự phòng đã làm tốt công tác khoanh vùng ổ dịch, số ca tử vong rất thấp và hạn chế các ổ dịch trên địa bàn.

Từ những kinh nghiệm đó, các y, bác sĩ, kỹ thuật viên... của hệ y tế dự phòng đã phản ứng nhanh, kịp thời với dịch bệnh mới này. Hơn nữa, cả hệ dự phòng và điều trị đều đã có sẵn cơ sở vật chất để đáp ứng vấn đề xét nghiệm. Chúng ta không phải chờ có dịch Covid-19 mới bắt đầu mua máy móc xét nghiệm...

* Việc ngành Y tế chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm từ rất sớm có phải là yếu tố quan trọng để tỉnh không bị động trong việc phát hiện, khẳng định ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, duy nhất (đến thời điểm này) của tỉnh và việc xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ khác?

- Đúng! Đồng Nai có tới 3 cơ sở xét nghiệm sàng lọc và khẳng định Covid-19 theo tiêu chuẩn quốc tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ba đơn vị này đã có sẵn hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động và cả nguồn nhân lực thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Sau một thời gian tập huấn cập nhật kiến thức thêm cho đội ngũ kỹ thuật viên, bác sĩ về xét nghiệm này tại Viện Pasteur TP.HCM, các cơ sở đã chủ động thực hiện xét nghiệm với quy trình nghiêm ngặt. Nhờ chủ động thực hiện các xét nghiệm, chúng tôi mới làm chủ được tình hình dịch bệnh. Điển hình như việc phát hiện ca bệnh của bệnh nhân 247 (V.V.T., làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định) là bệnh nhân nhiễm Covid-19 duy nhất của Đồng Nai cho tới thời điểm này. Thực tế, Viện Pasteur TP.HCM chỉ xét nghiệm những ca có yếu tố dịch tễ và biểu hiện bệnh rõ ràng. Trong khi đó, bệnh nhân T. lại không có triệu chứng của bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh sau 13 ngày cách ly tập trung tại ký túc xá Trường đại học Đồng Nai. Trước khi cho bệnh nhân ra khỏi khu cách ly, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt các trường hợp F1 lúc đó và cả anh T.

Ngay khi phát hiện bệnh, chúng tôi đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai để chữa trị. Nếu chúng tôi không thực hiện xét nghiệm mà để bệnh nhân về nhà thì sự lây lan cho cộng đồng là không thể tính được, từ những người thân đến những người sống xung quanh.

Phun thuốc khử trùng trong buổi diễn tập cách ly khu phố của TP.Biên Hòa
Phun thuốc khử trùng trong buổi diễn tập cách ly khu phố của TP.Biên Hòa

Chủ động ứng phó

* Qua đợt dịch này, Đồng Nai đã có những bài học kinh nghiệm gì cho công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch Covid-19 nói riêng, thưa ông?

- Chủ động đối phó là biện pháp tối ưu để đẩy lùi dịch bệnh này. Thời gian qua, Đồng Nai đã luôn chủ động cao hơn một mức so với yêu cầu của Bộ Y tế. Cụ thể, khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân 124 (nam, quốc tịch Brasil), chúng tôi đã điều tra tất cả các trường hợp F1, F2... liên quan đến bệnh nhân này. Trong đó, có trường hợp F1 là N.T.H. (ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có tiếp xúc với bệnh nhân số 124 trong vòng 15 phút. Chúng tôi đã xác định rằng đây là một trường hợp đặc biệt, có khả năng nhiễm bệnh cao. Chính vì vậy, ngành Y tế đã họp khẩn và chuyển người này từ khu cách ly ở Trường đại học Đồng Nai (sau 2 ngày vào cách ly tại đây) sang cách ly tại 1 phòng riêng ở Bệnh viện Phổi. Đồng thời, các trường hợp tiếp xúc với người này gồm 10 người cùng khu nhà trọ ở P.Tân Phong, 2 người bạn ở P.Trảng Dài và 1 người bạn ở P.Tân Tiến cũng được đưa đi cách ly tại Trường đại học Đồng Nai.

Ngoài ra, Bộ Y tế quy định những người tiếp xúc gần, cách vài hàng ghế trên cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mới phải cách ly tập trung. Nhưng chúng tôi luôn cảnh giác cao hơn, chỉ cần những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân khi về địa phương đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Kinh nghiệm từ đợt phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, chúng ta phải đồng lòng, đồng thuận từ người dân lẫn các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các địa phương. Đồng Nai xử lý dịch luôn cao hơn một mức là nhờ vào sự đồng thuận của người dân. Sự nỗ lực của nhân viên y tế cũng là một phần rất quan trọng trong “cuộc chiến” này.

* Những ngày gần đây, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng nên một số người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan. Ông có khuyến cáo gì không, thưa ông?

- Thực tế, một số người dân đã bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch Covid-19. Vài ngày nay, tôi thấy rằng người dân đã tập trung đông ở các hàng quán, hay các điểm du lịch. Họ gần như không để ý đến khuyến cáo của ngành Y tế và “quên” đi thời dịch. Tôi khẳng định rằng, dù Việt Nam nhiều ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng không có nghĩa là dịch bệnh đã kết thúc. Đây mới chấm dứt giai đoạn 2 của dịch bệnh. Chúng ta chưa thể tiên đoán được dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào trong những ngày tới đây.

Chúng ta phải xác định “sống chung với lũ (dịch Covid-19)” và luôn phải cảnh giác cao độ. Cuộc sống sẽ khó trở lại như trước khi dịch bệnh xảy ra. Do đó, người dân cần phải luôn đeo khẩu trang khi đi ra đường, hạn chế đến nơi đông người và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như đã khuyến cáo...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh này sẽ còn kéo dài và có mức lây lan rất lớn ở các quốc gia, nhất là khi các nước thông thương trở lại. Khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị, đại dịch này chưa thể bị đẩy lùi. Do đó, nguy cơ chúng ta sẽ phải tiếp nhận giai đoạn 3 của dịch Covid-19 sẽ rất cao và chưa biết là thời điểm nào.

Trước mỗi diễn biến mới của dịch, ngành Y tế Đồng Nai luôn có những kịch bản để đối phó. Trong đó, chúng tôi cũng đưa ra tình huống xấu nhất là “mất dấu F0” thì phải đối phó ra sao. Chúng tôi đã có những kế hoạch đánh giá, điều tra những người từng tiếp xúc gần, xa... để đảm bảo cho việc phòng, chống dịch đạt kết quả tốt như thời gian qua.

* Xin cảm ơn ông!

Bích Nhàn (thực hiện)

Tin xem nhiều