Báo Đồng Nai điện tử
En

Một chiến dịch ở Bắc kỳ

09:05, 22/05/2020

Cũng đã lâu mới có một tác phẩm sử liệu được sự quan tâm lớn từ dư luận như Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - ấn phẩm sách do Đông A phát hành trung tuần tháng 5-2020. Đây là nguồn sử liệu quan trọng và quý hiếm để tìm hiểu về nền chính trị, kinh tế, xã hội xứ An Nam cuối thế kỷ XIX.

Cũng đã lâu mới có một tác phẩm sử liệu được sự quan tâm lớn từ dư luận như Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - ấn phẩm sách do Đông A phát hành trung tuần tháng 5-2020. Đây là nguồn sử liệu quan trọng và quý hiếm để tìm hiểu về nền chính trị, kinh tế, xã hội xứ An Nam cuối thế kỷ XIX.

Đây là một cuốn sách dạng ký sự - du ký, tái hiện con người, cảnh vật cùng những nét phong tục, tập quán, lối sống, nghề nghiệp và nếp sinh hoạt của xã hội Bắc Kỳ và Trung Kỳ qua những ghi chép lý thú và hàng trăm minh họa độc đáo của Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) - một thầy thuốc quân y kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp. Bản dịch và chú giải Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - cuốn sách đầu tiên nằm trong Tủ sách Đông Dương của Đông A, do dịch giả nổi tiếng Đinh Khắc Phách (90 tuổi) đảm nhiệm đầy nghiêm cẩn và với lòng yêu nước sâu đậm.

* Bìa sách công phu

Bìa sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ do họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đông A) thiết kế công phu, tinh tế, “đậm chất Indochine”, lấy cảm hứng dựa theo bố cục của Frederick Starr, 1905, đặt Mã Mây (phố Cờ Đen), một trong những phố chính của Hà Nội xưa, ở trung tâm.

Các hình ảnh sử dụng trên bìa đều là hình ảnh về cảnh vật, con người Việt Nam từ các ảnh chụp của bác sĩ Hocquard. Thiết kế của bìa sách thể hiện tinh thần và nội dung chính của cuốn sách. Đó chính là góc nhìn của một người phương Tây trước một đất nước, một nền văn hóa, những con người và phong tục mới mẻ, xa lạ. Ngoài ra, ấn phẩm có tặng kèm một bộ postcard 12 tấm hình các bức tranh khắc tuyệt đẹp trong sách.

* 23 chương sách sống động

Dịch giả Đinh Khắc Phách cho biết: “Đặt tên sách là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, nhưng thực tế tác giả Hocquard tham gia bốn chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có ba cuộc đôi bên giao chiến ác liệt. Tuy vậy, tác giả không kể nhiều về các trận đánh mà tập trung viết về những gì tai nghe, mắt thấy, lượm lặt hoặc tìm hiểu được về vùng đất Viễn Đông xa xôi mà “ở Pháp biết bao người nhắc tới”.

Tác phẩm có bố cục 23 chương, với cách viết kiểu du ký, ký sự khiến những ghi chép trở nên thú vị và phù hợp nhiều lứa tuổi, đối tượng người đọc. Độc giả theo hành trình rong ruổi của bác sĩ Hocquard trên khắp các nẻo đường Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế trong khoảng thời gian hơn 2 năm (1884-1886).

Trên hành trình này, tác giả có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc đủ mọi hạng người, từ vua Đồng Khánh  đến những quan lại, ký lục, thầy lang, nhà buôn, “cô me Tây”, thợ thêu, cu li, bọn trẻ bụi đời… bản xứ. Hocquard quan sát từ cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục, trang phục nam nữ… và ghi chép, tìm hiểu chi tiết, cũng như chụp lại những hình ảnh quan sát được.

Khi miêu tả về “lễ hội tâm linh, cúng thần ở Bắc Kỳ” để địa phương hết dịch bệnh (chương XVIII), Hocquard viết rất tinh tường: “Nếu bệnh dịch chấm dứt, người bản địa sẽ cho rằng nhờ họ thành tâm cúng bái và thần của họ rất thiêng (…). Ngược lại, dù đã cúng bái, rước xách đủ điều mà dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành thì thần sẽ bị giáng cấp, bài vị bị đánh đòn, bị xiềng xích và quẳng xuống sông”. Hay khi kể về năm mới ở Huế, Hocquard chép: “Trong những ngày Tết, người An Nam ních thật nhiều thức ăn, mỗi ngày ba bữa và luôn dành một phần cúng tổ tiên”.

* Quan sát tinh tường di sản

Từ địa dư, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều lọt vào đôi mắt quan sát tinh tường của ông Hocquard. Tác giả dựng lại cho người đọc bản đồ Hà Nội và Huế với những di sản vốn có của nó và cả những vàng son mà nay đã thành dĩ vãng như: điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân, cung Bảo Định…

Ấn phẩm đặc biệt quý ở rất nhiều bản đồ xưa, nhiều bức ảnh tư liệu mà tài năng nhiếp ảnh của Hocquard đã chụp lại và để dành cho hậu thế được chiêm ngưỡng. Sách được trình bày theo đúng ấn bản gốc đầu tiên Une campagne au Tonkin của NXB Librairie Hachette năm 1892 với 230 hình khắc tinh xảo trong đó có hơn 200 tranh khắc gỗ thớt và 4 bản đồ, được in chính xác gần như nguyên bản.

Đặc biệt, sách do NXB Văn học và Đông A ấn hành còn bổ sung 2 hình khắc và một phụ lục với 45 bức ảnh độc đáo do chính tác giả chụp, vốn không có trong bản gốc, nhằm giúp độc giả có được hình dung trọn vẹn hơn về đất nước Việt Nam thời đầu Đông Dương (Indochine).

Nhiều chi tiết lý thú như sự va chạm giữa hai nền văn hóa khác biệt mà thời nay đọc lại không khỏi bật cười. Ví dụ như Hocquard kể sĩ quan viễn chinh Pháp cho rằng hàm răng đen dù đều tăm tắp cũng khiến “mồm trông như miệng cống”. Ngược lại, vị quan An Nam khen phụ nữ Pháp đẹp nhưng chê “hàm răng trắng như răng chó”. Dẫu Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là nhãn quan của một sĩ quan viễn chinh nên không khỏi góc nhìn thực dân chủ quan, song đây vẫn là một tư liệu “độc nhất và không thể thay thế” với những chỉ dẫn rõ ràng, phong phú và bổ ích nhiều mặt về những nơi tác giả đã có mặt trên đất nước ta giữa những năm 80 thuộc thế kỷ XIX.

Charles-Édouard Hocquard sinh tại Nancy, Pháp. Năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh và trở thành một nhà chép sử bằng ảnh chụp vùng đất này.

Vào các năm 1889-1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi chiến đấu của mình dưới đầu đề Trente mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc Kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Các ảnh chụp đã thành minh họa trên báo qua những bản khắc tinh xảo của các nghệ nhân Pranishnikoff, E. Ronjat, D. Lancelot, Th. Weber… do kỹ thuật hồi đó chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp.

Năm 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với NXB Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin. Năm 1911, tác giả Hocquard qua đời tại Lyon.

Yến Thanh

Tin xem nhiều