Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí và đại dịch Covid-19

10:06, 20/06/2020

Sau nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, công tác cách ly người trở về từ nước ngoài được thực hiện chặt chẽ, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Góp sức vào những thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 không thể thiếu vai trò của báo chí.

Sau nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, công tác cách ly người trở về từ nước ngoài được thực hiện chặt chẽ, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Góp sức vào những thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 không thể thiếu vai trò của báo chí.

Có thể nói, chưa bao giờ thông tin báo chí lại được người dân theo dõi sát sao như thời điểm xảy ra dịch Covid-19 và cũng ít có khi nào thông tin trên báo chí lại dồi dào, minh bạch và đồng loạt như vậy. Theo báo cáo của Bộ TT-TT, từ ngày 1-2 đến 31-5-2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch Covid-19, trong đó về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì từ 28-40% tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ chung sức, báo chí còn là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch Covid-19 với việc phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Đã có những tác phẩm báo chí ra đời trong thời điểm dịch đang ở “đỉnh”, những phóng viên, nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để ghi nhận tình hình, công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly. Trước thực trạng “ma trận” thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng thì thông tin báo chí đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.

Thông qua báo chí, người dân không chỉ cập nhật kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trong nước, quốc tế mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng tránh dịch bệnh. Mặt khác, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, sự đồng hành của báo chí trong ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội…

Không chỉ trong tâm dịch, khi dịch bệnh được kiểm soát, báo chí đã kịp thời bám sát các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh những mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch. Cùng với đó, báo chí cũng quan tâm phản ánh những khó khăn của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối họ với những tấm lòng sẻ chia trong cộng đồng. Mặt khác, báo chí cũng thể hiện tính chiến đấu trong việc phát hiện, phản ánh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm dịch bùng phát…

Công tác thông tin tuyên truyền với sự vào cuộc kịp thời, tích cực của báo chí trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 đã được dư luận đánh giá cao. Theo điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thì có đến 84% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống Covid-19.

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của báo chí, tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sĩ đã đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều