Báo Đồng Nai điện tử
En

Brasil bùng nổ Covid-19 - Kiên cường vượt qua đớn đau

08:06, 12/06/2020

Dịch bệnh do Covid-19 bùng nổ khiến Brasil đã trở thành quốc gia nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Tình hình đại dịch vẫn đang đe dọa nghiêm trọng đất nước lớn nhất Nam Mỹ có 212 triệu dân này.

Dịch bệnh do Covid-19 bùng nổ khiến Brasil đã trở thành quốc gia nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Tình hình đại dịch vẫn đang đe dọa nghiêm trọng đất nước lớn nhất Nam Mỹ có 212 triệu dân này.

Những người Việt ở TP.Sao Paolo (Brasil). Ảnh: Huỳnh Thật
Những người Việt ở TP.Sao Paolo (Brasil). Ảnh: Huỳnh Thật

“Có những thứ chúng ta không chọn lựa đối đầu, nhưng có những thứ chúng ta có thể vượt qua thử thách” - ông Thái Quang, một doanh nhân gốc Việt 62 tuổi, đã định cư sinh sống ở Brasil từ hơn 40 năm qua, chia sẻ khi trao đổi với chúng tôi qua video-call từ TP.Sao Paulo về đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đang cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân Brasil khi có ngày như hôm 9-6, Brasil ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục (hơn 31 ngàn ca). Số ca tử vong do Covid-19 riêng trong ngày 10-6 ở Brasil cũng cao nhất thế giới với 1.300 người chết (hiện nước này xếp thứ ba thế giới về số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 với gần 40 ngàn ca).

* Chủ quan, tranh cãi vì dịch bệnh

Từ cuối tháng 5-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định khu vực Mỹ Latinh là tâm dịch Covid-19 mới của thế giới với Brasil chính là quốc gia mà tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng nhất. Sang tuần đầu tháng 6 dịch bệnh càng bùng phát dữ dội hơn với sự tăng cao “chóng mặt” của số lượng ca nhiễm bệnh lẫn ca tử vong vì Covid-19. Đâu là nguyên nhân? Theo ông Thái Quang, khác với Việt Nam, Brasil đang “trả giá đắt” cho đường lối chống dịch Covid-19 rất chủ quan và đầy tranh cãi của chính quyền liên bang, mà người “đứng mũi chịu sào” chính là Tổng thống Jair Bolsonaro. 

Sống ở TP.Sao Paulo (thuộc bang Sao Paulo, bang đông dân nhất và là tâm dịch Covid-19 của Brasil), với mắt thấy tai nghe trực tiếp, ông Thái Quang cho hay trong giai đoạn đầu Brasil đã thiếu quyết đoán và chậm trễ trong việc cảnh báo, thi hành các biện pháp chống dịch Covid-19 triệt để với lý do e ngại việc phong tỏa hay giãn cách xã hội sẽ làm nền kinh tế kiệt quệ. Việc chính phủ bị cáo buộc che giấu những số liệu về dịch bệnh cũng khiến nước này “rối như tơ vò” và mất niềm tin. “Việc tranh cãi, thiếu quyết đoán và không thống nhất, đồng bộ biện pháp giữa các tiểu bang Brasil đã góp phần khiến virus âm thầm lây lan mạnh” - ông Thái cho biết.

Nhiều người dân ở các thành phố lớn như Sao Paulo, Rio de Janeiro… dường như phớt lờ các biện pháp cách ly dù doanh nghiệp, trường học và nơi công cộng đã đóng cửa. Được yêu cầu ở nhà nhưng nhiều người vẫn ra biển tắm vô tư mỗi ngày hay cuối tuần tụ tập ở nhiều nơi. Thậm chí nhiều cuộc biểu tình đông người trên đường phố diễn ra, có thể dẫn đến sự lây lan không thể kiểm soát của virus. Nhiều người cũng chủ quan không chịu đeo khẩu trang ra phố, chạy bộ...

Có lẽ, những con số người nhiễm tăng cao chóng mặt lẫn những hình ảnh về hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ được đào cấp thời để chôn xác người qua đời vì Covid-19 tại các nghĩa trang lớn sẽ khiến dân Brasil phải lo ngại và quan tâm thật sự hơn về việc bảo vệ sức khỏe bản thân lẫn sức khỏe cộng đồng.

* Thời gian để “rèn tâm, hướng thiện, vượt khó”

Ông Thái Quang cho biết trong những tháng ngày dịch bệnh Covid-19 xảy ra, cùng với việc ở nhà tối đa thay cho ra ngoài đường, ông đã dành thời gian rảnh để duy trì nếp sống tích cực cũng như mong muốn lan truyền những điều lạc quan đến với mọi người thân, bạn bè.

“Tôi chia sẻ với mọi người 3 “trụ cột thói quen” mỗi buổi sáng của tôi là ngồi thiền để tĩnh tâm thư giãn (5-10 phút), ăn sáng với nhiều rau củ chứa vitamin giúp cơ thể đề kháng tốt và tập thể dục” - ông Thái Quang chia sẻ cách sống tích cực thời Covid-19 của mình.

Các nghệ sĩ Brasil trình diễn với bong bóng hình trái tim đỏ để tưởng nhớ những người thiệt mạng vì Covid-19 ở nước này vào ngày 8-6. Ảnh: Reuters
Các nghệ sĩ Brasil trình diễn với bong bóng hình trái tim đỏ để tưởng nhớ những người thiệt mạng vì Covid-19 ở nước này vào ngày 8-6. Ảnh: Reuters

Ông Thái nói thêm: “Hoàn cảnh xã hội hiện tại rất khó khăn với mọi người. Đời tôi cũng từng gặp nhiều khó khăn trên xứ người và phải vượt qua. Những ngày cách ly vì Covid-19, tôi đã đọc lại nhật ký đời mình, nhớ về những lúc đối diện khó khăn thử thách nhất, mình phải vượt qua như thế nào. Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm từng trải để giúp mọi người xung quanh, con cái vượt qua khó khăn, thanh thản đối mặt với những thách thức từ cuộc sống. Điều này cũng giúp cho sự trưởng thành và vững vàng của bạn”.

Thật thú vị là những chia sẻ lạc quan của một người Brasil gốc Việt như ông Thái Quang trong đợt dịch bệnh lại được nhiều người bản xứ ủng hộ và tham khảo. Chuyên gia tâm lý Sandro Magaldi ở Sao Paulo còn mời ông Thái tham gia buổi chia sẻ online để truyền cảm hứng, khơi ý tưởng cho nhiều người trẻ Brasil vượt qua khó khăn và đạt mơ ước của họ. Bà Glaucia Aguiare, sống tại thành phố biển Santos gần Sao Paolo, cho biết những chia sẻ của ông Thái Quang giúp bà “có suy nghĩ tích cực và truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày”.

“Thường thì bạn không thể kiểm soát tất cả các biến cố xảy ra (như dịch bệnh Covid-19 hiện nay) nhưng chúng ta có thể thay đổi, thích nghi, khám phá những điều mới mẻ, tái tạo lại bản thân. Đừng để những khó khăn làm bạn “tê liệt”. Hãy tin tưởng và tập trung vào sứ mệnh của bạn. Hãy kiên cường. Bỏ cuộc không phải là sự lựa chọn” - ông Thái Quang bày tỏ.

TP.Sao Paulo có cộng đồng người gốc Việt tập trung đông nhất tại Brasil. Anh Huỳnh Thật, một người từng kinh doanh quần áo cho biết người Việt hầu hết làm nghề buôn bán quần áo ở chợ, mở nhà hàng… tại Brasil nên đại dịch Covid-19 dĩ nhiên ảnh hưởng mạnh đến công việc làm ăn. “Thảo, người anh ruột của tôi phải tạm đóng 5 cửa tiệm kinh doanh ở chợ trời Brás tại Sao Paulo trong thời gian qua” - Huỳnh Thật cho hay.

Theo lời anh Thật, “đã có gia đình người Việt ở Sao Paulo bị lây nhiễm Covid-19 phải chữa trị tại bệnh viện hoặc cách ly ở nhà. Mọi người mong cho họ sớm hồi phục và hết bệnh”. Cộng đồng người Việt ở đây hầu hết quen biết nhau nên cũng kết nối thường xuyên, chia sẻ, động viên nhau trong đại dịch.

Long Khánh

Tin xem nhiều