Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp nhau cùng vững tay nghề

09:06, 27/06/2020

Người lao động (NLĐ) làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động… không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp NLĐ khẳng định năng lực, có cơ hội thăng tiến, nâng cao thu nhập. 

Người lao động (NLĐ) làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động… không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp NLĐ khẳng định năng lực, có cơ hội thăng tiến, nâng cao thu nhập. 

Chị Phan Thị Trinh thăm hỏi, hướng dẫn công nhân làm việc tại xưởng Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.LÂM - L.MAI
Chị Phan Thị Trinh thăm hỏi, hướng dẫn công nhân làm việc tại xưởng Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.LÂM - L.MAI

Nhận thức được điều này, rất nhiều công nhân lao động dù có xuất phát điểm với trình độ thấp, nhưng bằng tinh thần ham học hỏi, nỗ lực rèn nghề đã vươn lên vị trí cao với mức thu nhập khá, sớm ổn định cuộc sống. Mặt khác, khi đã có điều kiện tốt hơn, họ lại tích cực sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp mình vươn lên…

* Những câu chuyện vươn lên

Năm 2001, chị Đỗ Thị Nụ vào Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) làm việc ở vị trí công nhân trực tiếp sản xuất. Với suy nghĩ, chỉ có chăm chỉ và không ngừng học tập mới có thể dần nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện thu nhập, chị Nụ đã luôn cần mẫn để làm tốt nhất vị trí công việc mà mình được giao. Bên cạnh đó, chị còn tích cực học hỏi trực tiếp từ đồng nghiệp tại xưởng và không ngại vất vả để đăng ký đi học thêm lớp đào tạo chuyên ngành Tài chính - kế toán vào các buổi tối để tự nâng cao trình độ cho mình.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập, thực tế thời gian qua cho thấy, NLĐ ngày càng tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc, tác phong làm việc chuyên nghiệp; tích cực học tập nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng để cải thiện vị trí công việc và thu nhập của mình. Công đoàn các cấp cũng đã và đang phát huy vai trò của mình bằng nỗ lực đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, các phong trào thi đua lao động, nhất là việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động, giúp NLĐ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển như hiện nay.

Sự nỗ lực của chị đã đem lại kết quả xứng đáng. Chỉ 4 năm sau đó, từ công nhân trực tiếp sản xuất, chị Nụ được cất nhắc lên vị trí thư ký của Khoa Plant A. Ở vị trí mới, chị Nụ tiếp tục nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm; kịp thời nắm bắt kế hoạch sản xuất và báo cáo tình hình hoạt động của xưởng; bám sát tình hình lao động và việc thực hiện chế độ cho công nhân... Từ đó, chị đã đóng góp đắc lực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất được giao của khoa. Mặt khác, chị còn cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến trong công việc, đã được công ty ghi nhận và khen thưởng như làm vách ngăn tại chuyền chuẩn bị; hay sử dụng băng keo dán lên bề mặt bìa các tông trước khi dùng để lót cho thao tác quét keo… giúp giảm lỗi và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Nụ bộc bạch: “Cứ làm việc tâm huyết, trách nhiệm và ham tìm tòi sáng tạo, nâng cao tay nghề thì dù bắt đầu ở đâu, với vị trí nào, thành công cũng sẽ tự đến với mình”.

Tương tự như vậy, anh Nguyễn Thanh Tuấn cũng bắt đầu làm việc ở Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) ở vị trí của một công nhân trực tiếp sản xuất. Từ khi vào làm việc, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong quá trình làm việc, anh nhận ra rằng: bản thân anh và nhiều công nhân khác còn có thể làm tốt được nhiều công việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn và có thu nhập tốt hơn, nếu được học hỏi, rèn luyện thêm một số kiến thức, kỹ năng liên quan.

Công nhân Trương Thị Trúc làm việc tại xưởng trang trí sản phẩm Công ty TNHH Cự Thành (H.Long Thành). Ảnh: T.LÂM - L.MAI
Công nhân Trương Thị Trúc làm việc tại xưởng trang trí sản phẩm Công ty TNHH Cự Thành (H.Long Thành). Ảnh: T.LÂM - L.MAI

Với suy nghĩ ấy, 2 năm sau khi vào công ty, anh Tuấn quyết định đăng ký lớp vừa học vừa làm tại Trường đại học Lạc Hồng. 4 năm học là khoảng thời gian đầy vất vả và áp lực đối với anh khi lịch học và làm việc dày kín. Dù vậy, anh Tuấn vẫn kiên trì theo đuổi và đạt được kết quả học tập tốt. Và chính nhờ những kiến thức có được từ trường đại học cùng những kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được trong quá trình làm việc hằng ngày đã giúp anh được cất nhắc lên vị trí kỹ thuật viên - công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và có thu nhập tốt hơn, xứng đáng với quá trình nỗ lực vươn lên của anh.

* Cùng giúp nhau giỏi nghề

Nhận thức rõ được ý nghĩa của việc nâng cao trình độ tay nghề cũng như ý thức tác phong công nghiệp đối với sự ổn định việc làm và thu nhập, nhiều công nhân sau khi đã vươn lên ở vị trí tốt hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn đã tích cực giúp đỡ đồng nghiệp mình vươn lên.

Xuất thân là một công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Công đoàn cơ sở, của đồng nghiệp đã góp phần giúp chị Phan Thị Trinh, hiện là Tổ trưởng Công đoàn Nhà máy 1 Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) có cuộc sống tốt hơn.

Chị Trinh chia sẻ: “Chính vì điều đó mà khi đã trở thành quản lý và kiêm nhiệm thêm Tổ trưởng Công đoàn, tôi muốn luôn giúp đỡ, động viên, chia sẻ để đồng nghiệp vượt qua khó khăn, làm việc tốt hơn, vững tay nghề hơn” - chị Trinh bộc bạch. Hằng ngày, chị đều dành thời gian đến từng chuyền sản xuất kiểm tra, giúp đỡ, hướng dẫn cho công nhân nâng cao tay nghề, nhất là công nhân mới vào. Cùng với đó, quan tâm thăm hỏi công nhân, đặc biệt là lao động nữ có những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. 

“Là người trực tiếp làm việc với công nhân nên hơn ai hết tôi hiểu được những khó khăn trong công việc, những tâm tư, nguyện vọng NLĐ. Do đó, khi công nhân gặp khó khăn về vấn đề nào, nhất là trong chuyên môn tay nghề, tôi đều cố gắng hướng dẫn anh chị em. Còn với chế độ chính sách thì tôi ghi nhận và đề xuất lên Công đoàn  để Công đoàn nắm bắt tình hình, phối hợp với Ban giám đốc kịp thời giải quyết. Mong muốn của tôi là anh chị em ngày càng vững tay nghề, thu nhập và công việc ổn định” - chị Trinh chia sẻ.

Còn đối với chị Trương Thị Trúc, quản lý xưởng trang trí sản phẩm tại Công ty TNHH Cự Thành (H.Long Thành), khi công nhân sản xuất hàng bị lỗi, đứng ra nhận trách nhiệm về mình, sau đó chị hướng dẫn cho công nhân thực hiện lại các thao tác đến lúc nào “cứng” tay nghề, đạt hiệu quả sản phẩm mới thôi. 

Chị Trúc cho biết, công việc của một công nhân làm trong DN luôn đòi hỏi mình phải có tác phong công nghiệp, cẩn thận từng thao tác, tiếp thu công việc nhanh. Vì thế, có không ít công nhân không quen, không bắt nhịp kịp công việc sẽ trở nên chán nản và dễ bỏ việc. “Tôi cũng đã từng có cảm giác như vậy. Vì thế, nếu khi mới vào làm việc được tận tình chỉ bảo, hướng dẫn sẽ sớm thành thạo kỹ năng và vững tay nghề hơn rất nhiều” - chị Trúc nói. Cũng bởi vì vậy, hơn 10 năm qua, chị không thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu công nhân thêm “cứng” tay nghề, tăng thu nhập.

Mặt khác, chị Trúc còn tích cực sáng kiến, sáng tạo nhằm giúp cải thiện công việc, tạo điều kiện để đồng nghiệp giảm bớt sức lao động mà vẫn đảm bảo yêu cầu công việc. Nhờ tinh thần trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp, hằng năm chị đều được công ty khen thưởng và đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng.

Thảo Lâm - Lan Mai

 

Tin xem nhiều