Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống

03:06, 26/06/2020

Thời đại dịch Covid-19, nhiều người quan tâm đặc biệt đến mảng sách y khoa, y học cũng như dành thời gian nhiều hơn để chăm lo, tìm hiểu sức khỏe của mình. Anh Cao Bảo Anh (Cộng đồng Tâm lý OOPSY), tác giả cuốn sách mới Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống (Zen Books và NXB Thanh Niên ấn hành) khẳng định: "Bạn vốn chưa hiểu chính mình đâu!".

Thời đại dịch Covid-19, nhiều người quan tâm đặc biệt đến mảng sách y khoa, y học cũng như dành thời gian nhiều hơn để chăm lo, tìm hiểu sức khỏe của mình. Anh Cao Bảo Anh (Cộng đồng Tâm lý OOPSY), tác giả cuốn sách mới Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống (Zen Books và NXB Thanh Niên ấn hành) khẳng định: “Bạn vốn chưa hiểu chính mình đâu!”.

Cuốn sách Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống “là một chìa khóa dẫn lý trí và tâm hồn của bạn đến với thế giới của thân xác, chiêm ngưỡng những thiết kế vô cùng phức tạp mà các tế bào tạo nên. Đây chính là bước chân đầu tiên trên hành trình vạn dặm để bạn thật thấu hiểu chính mình, với cái đích cuối cùng là đích thực hạnh phúc”.

* Hành trình thấu hiểu bản thân

Vốn là trợ giảng và nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Miễn dịch học (Đại học Havard, Hoa Kỳ), thạc sĩ chuyên ngành Miễn dịch học Trường đại học Toronto (Canada), anh Cao Bảo Anh thổ lộ, đã “lắng nghe câu chuyện về hệ miễn dịch của bản thân” để ghi chép ra và dành tặng cho bạn đọc - những người thường cho rằng thân thể chúng ta chỉ gồm “những bộ phận vô tri” được nuôi bằng máu và sống cộng sinh với vi khuẩn. Mà như thế thì té ra “chẳng hiểu gì về chính mình”.

Kỳ thực, tác giả Cao Bảo Anh cho rằng nếu nhìn vào hệ miễn dịch - một trong những hệ thống được thiết kế công phu nhất cơ thể người, “có thể giúp chúng ta hiểu biết về chính mình theo một cách kỳ diệu mà chúng ta không tưởng tượng nổi đâu”. Từ đó, cuốn sách mà tác giả viết: Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống, tựa như những “trang sử thi oai hùng” về hệ miễn dịch, giúp bạn đọc xong sẽ thấu hiểu về bản thân và tự nhủ: “Tôi yêu mình biết bao!”.

Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống đặt dấu hỏi thú vị: “Hôm nay bạn có điều gì lo lắng?” và yêu cầu bạn thử trả lời những câu hỏi này: Bạn có biết cơ thể bạn có bao nhiêu tế bào không? Bạn biết nhóm máu của mình là gì chứ? Và vật chất nào cấu tạo nên máu, bạn có biết không? Mỗi lần hít vào, thở ra, đi lại, nói cười, bạn có biết tất cả các bộ phận trong người bạn đang cảm nhận như thế nào không? Chỉ cần bạn có một trong các câu trả lời “Không” cho những câu hỏi vừa rồi, là đủ để thấy bạn chưa chạm tay tới cái đích “thật sự hiểu mình”. Ấy thế nhưng tất cả chúng ta đều sống trong một sự mơ hồ như vậy, là một trong những lý do khiến lúc nào ta cũng “cảm thấy mình thật yếu đuối trước cuộc đời này” - tác giả viết.

Việc thấu hiểu bản thân cần bạn tiếp thu kiến thức về bản chất. Theo đó, “thân thể của chúng ta là một thế giới. Thế giới bên trong thân bạn đó có một sự tương hợp lạ lùng với thế giới bên ngoài mà bạn đang tiếp xúc hằng ngày. Bạn chính là một cánh cửa nối thông giữa thế giới bên ngoài và bên trong mình”.

* Mỗi tế bào là siêu anh hùng

Tác giả Cao Bảo Anh tiết lộ hệ miễn dịch của con người có “hàng chục loại tế bào, hàng trăm quá trình, hàng ngàn hiện tượng, và đặc biệt là vô số những bí ẩn đầy mâu thuẫn”. Nhưng anh cho rằng hệ miễn dịch cũng như “vũ trụ của những siêu anh hùng”. Vì rằng “mỗi tế bào như những siêu anh hùng với khả năng đặc biệt để chống lại những quái vật định xâm chiếm cơ thể”.

“Điều con người cần làm là lựa chọn và hành động. Lựa chọn giữa việc thấu hiểu cơ thể mình để có một đời sống lành mạnh hay nhắm mắt làm ngơ tiếp tục ngược đãi thân thể này. Lưa chọn một cuộc sống cống hiến như những người anh em tế bào miễn dịch hay tiếp tục bất chấp tất cả mọi thứ vì bản thân mình. Và chắc chắn rằng chúng ta sẽ có được kết cục đúng như lựa chọn của mình” -  

Tác giả CAO BẢO ANH viết

Những tế bào này đích thực như những người thân thiết với con người. “Là anh em!” như tác giả phát hiện ra trong quá trình viết sách. “Anh em là bởi cùng chung một bộ gen, cùng chung một nhà, chia sẻ cùng một Sự Sống. Những khả năng “siêu phàm” của những “siêu anh hùng” ấy âm thầm cống hiến và phụng sự ở trong bạn, trong tôi”. Mỗi tế bào có một sứ mệnh chung là cùng nhau bảo vệ cơ thể bạn. Từ bạch cầu trung tính như những “anh hùng cảm tử” đến hệ bạch huyết là trận địa phòng thủ của cơ thể. Từ tế bào tua như những “liên lạc viên cần mẫn” đến các vi khuẩn là những “đồng minh không ngờ” của con người.

Mỗi tế bào ấy mỗi khi cơ thể bạn gặp nguy hiểm, đã “oanh oanh liệt liệt” hô hào cùng nhau chiến đấu bảo vệ cơ thể, sẵn sàng “hy sinh một cách thầm lặng mà không một chút oán trách”. Cuốn sách Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống kể lại bản anh hùng ca, thiên sử hào hùng, một thế giới tuyệt đẹp ấy ở trong chính thân thể bạn. “Tất cả được vận hóa một cách nhịp nhàng như một thế giới có trật tự, có mục đích, có trí tuệ - một kiệt tác của sự sống” - tác giả viết.

Và khi bạn cảm nhận được sự sống kiệt tác này, “những thứ vốn xa lạ bỗng nhiên trở nên gần gũi, những quá trình sinh học cao siêu trở thành những câu chuyện đời thường”. Giọng văn đơn giản hóa, phong cách thể hiện dễ tiếp cận, cùng những minh họa sinh động và dí dỏm thật sự giúp người đọc cảm thấy hứng thú, dễ hiểu. Những kiến thức trong sách về hệ miễn dịch và tế bào người chính là những sự thật ở ngay bên trong chúng ta.

* Bóng tối và ánh sáng

Theo tác giả, quá trình viết cũng chính là quá trình anh “học được rằng thế giới của những tế bào ở trong tôi và thế giới ở ngoài kia có một sự tương đồng. Bằng cách xem mỗi tế bào như một sự sống có mục đích có trí tuệ thay vì một thứ vô tri vô giác, xem mỗi tương tác là một cuộc hội thoại thay vì những cuộc giao dịch hóa học hay vật lý, những kiến thức trước đây vốn phức tạp bỗng trở nên gần gũi như những câu chuyện đời thường. Và ngược lại, khi nhận ra có một cộng đồng đang ở ngay trong mình, tôi nhận ra rằng bản chất của đời sống là hợp tác, là cùng nhau cộng sự và cống hiến cho những điều cao cả hơn bản thân mình”.

Quyển sách có những chương viết về “sự thật đáng buồn”. Đó là về những tổn thương, di căn, những tế bào biến chất hay “quỷ kế” của tế bào ung thư ích kỷ. Sự ích kỷ của tế bào ung thư khiến tác giả liên tưởng tự vấn đến chính bản thân mình: “Tôi vẫn vì mình tính toán xem được gì, mất gì, vẫn hằng ngày tranh giành để được là “số một”, vẫn vô tâm với những người xung quanh tôi kể cả những người thân thương nhất. Sự sống bị phí phạm, sự vị tư và thói ích kỷ lên ngôi. Sự ích kỷ ấy bóp chết cộng đồng và vắt kiệt sự sống. Kết cục cuối cùng chúng ta cũng đã biết rồi. Đó là cái chết! Bạn lòng tôi ơi, bạn có cảm nhận được sự thật đáng sợ ấy không?”.

Nhưng quyển sách vẫn toát lên “một thứ ánh sáng lấp lánh”. Đó là những “người anh em” tế bào vẫn đang tha thứ và “bất kể ngày đêm nỗ lực hết sức mình để bảo vệ cơ thể”. Một so sánh: kể cả khi khối ung thư đã di căn khắp nơi, thì đó vẫn chỉ là thiểu số trong hơn 30 ngàn tỷ tế bào. Ở phần “Quét sạch nỗi bất an trước một thế giới đầy nguy cơ” cuối sách, tác giả cho rằng hệ miễn dịch với sức mạnh cộng đồng, khả năng cống hiến, tinh thần phụng sự và sự tha thứ “như một kho báu trong mỗi chúng ta”.

Chúng ta phải biết nâng niu giữ gìn kho báu ấy đang ngày đêm giúp mình vượt qua những tổn thương cơ thể - từ một vết xước nhỏ trên da đến những căn bệnh hiểm nghèo như: ung thư, từ bệnh tự miễn dịch, dị ứng, thấp khớp cho đến béo phì, xơ vữa động mạch…

Hành trình tìm hiểu về tế bào, hệ miễn dịch, hay nói đúng nhất là hành trình thấu hiểu những bí ẩn của cơ thể của bạn qua cuốn sách không phải để khiến bạn tìm cách trở thành một nhà miễn dịch học, mà là góp phần giúp bạn “tìm được động lực để xây dựng một đời sống lành mạnh hơn”. Tác giả mong bạn sẽ luôn trân trọng cơ thể và sự tồn tại của chính mình bởi vì đó là “một hiện thân của phép màu”. Thật vậy, Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống giúp chúng ta sau khi quá bất ngờ về tầm quan trọng và sự giúp đỡ của các tế bào trong cơ thể mình, trở nên trân quý cơ thể và ý thức về sức khỏe của mình hơn bao giờ hết.

Quốc Vũ

Tin xem nhiều