Báo Đồng Nai điện tử
En

Lều tranh và canh bầu

01:06, 13/06/2020

Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng, sự bền vững của hôn nhân theo quan niệm "một túp lều tranh hai quả tim vàng" là "xưa rồi Diễm" bởi cuộc sống hiện đại này khác xưa rất nhiều.

Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng, sự bền vững của hôn nhân theo quan niệm “một túp lều tranh hai quả tim vàng” là “xưa rồi Diễm” bởi cuộc sống hiện đại này khác xưa rất nhiều.

Bữa cơm gia đình đạm bạc, ấm áp  Ảnh minh họa
Bữa cơm gia đình đạm bạc, ấm áp Ảnh minh họa

Vâng, đúng thế nếu ta nhìn cuộc sống trong môi trường xã hội hiện nay với bao yếu tố tác động. Hình ảnh của “túp lều tranh” là sự nghèo khó hiện rõ mồn một, phản ánh một hiện thực vất vả dù “hai trái tim vàng” phản ánh tình yêu lớn, đẹp đến đâu chăng nữa cũng khó tồn tại lâu dài trong tình cảnh cứ mãi như thế. Cho nên, trên mạng đã lan truyền những hình ảnh cô gái khẳng định cho rằng thà ngồi khóc trong chiếc xe hơi còn hơn cười khi ngồi sau xe đạp để rồi nhiều người  đồng ý hay phản đối theo góc nhìn riêng.

Xưa, trong khó khăn chung, trong cái cảnh quê vốn mộc mạc thì canh bầu là hình ảnh quen thuộc của nhà nông và canh mà chỉ có ruột bầu là của nhà nghèo khổ. Cái nghèo khổ dường như đến kiệt cùng khi được nấu với râu tôm trong câu “Rau tôm nấu với ruột bầu” vốn là những thứ dường như bỏ đi. Khổ chứ, tất nhiên là vậy. Đã làm việc trong môi trường “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ở trong chỗ nhà nghèo “lều tranh”, ăn trong túng quẫn “thiếu trước hụt sau” liệu con người không cất lên tiếng thở dài về cuộc sống, cám cảnh về một tương lai. 

Nhà nước bảo đảm thực sự chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, nhằm xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc, bền vững. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ. (Điều 1 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam)

 

“Lều tranh” và “canh bầu” đã trở thành hình ảnh quá thân thuộc của vùng quê nông thôn xưa của Việt Nam cùng với hình ảnh “chồng cày, vợ cấy” ban ngày trên đồng ruộng, hoặc “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” bên ánh đèn dầu hay dưới ánh trăng đêm. Vừa vất vả nhưng cũng vừa thơ mộng dù có vất vả nhưng mãi gắn bó trong tình nghĩa vợ chồng.

Tôi nhìn hình ảnh của “lều tranh” và “canh bầu” không phải ở góc cạnh của sự nghèo khó bền vững mà là sự chấp nhận một thực tại để sống tiếp với trách nhiệm, chứ không chỉ đơn thuần là bất chấp nghèo khổ để yêu nhau mãi, đợi kết cuộc viên mãn với kiểu “há miệng chờ sung” hay bỗng nhận được phép màu từ thế giới thần tiên. Bởi trong cái cảnh sống vất vả đó, gia đình có niềm vui, nụ cười động viên, tình cảm san sẻ nhau mới có được cái cảnh “chồng chan,vợ húp, gật đầu khen ngon”.

Nay, môi trường sống và xã hội khác xưa nhiều. Dù ở vùng quê nhưng vùng nông thôn cũng không đến nỗi cám cảnh của sự nghèo khổ để mà mỗi gia đình chỉ “râu tôm”, “ruột bầu”. Dù không là tất cả, nhưng cái ở, cái ăn giờ đây đã có những lựa chọn trong điều kiện nhất định với cách nghĩ thay đổi từ “ăn chắc, mặc bền” thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Mỗi thành viên trong gia đình đều có thể tiếp cận những sự hưởng thụ vật chất, tinh thần trong một thế giới phẳng với nhiều điều đã phủ sóng rộng khắp. Nhưng, cuộc sống hiện nay và thực trạng của gia đình đứng trước những vấn đề đáng báo động, sự tan vỡ của nhiều gia đình ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh, môi trường, điều kiện, cấp độ… khác nhau.

 Minh họa của Vũ Huyên
Minh họa của Vũ Huyên

Hình ảnh nghèo khó “lều tranh” và “canh bầu” đã qua rồi, không xuất hiện trong hoàn cảnh sống của nhiều gia đình mà thay vào đó có thể là “nhà cao, cửa rộng”, bữa ăn không thiếu “sơn hào hải vị” nhưng tại sao “hai trái tim vàng” vẫn “tan đàn xẻ nghé”. Mỗi năm, những con số thống kê khá cao được công bố về gia đình nói chung, số liệu gia đình tan vỡ cụ thể nhưng chắc chắn không bao giờ đầy đủ đã ảnh hưởng đến “tế bào quan trọng của xã hội”.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng gia đình tan vỡ và dẫn đến nhiều hậu quả, hệ lụy cho người trong cuộc, cho con trẻ và  xã hội. Nhìn ở hình ảnh “lều tranh” hay “nhà cao cửa rộng”, “canh bầu” hay “sơn hào hải vị” có thể và cũng không có thể làm cho gia đình trở thành “mái ấm” nếu không có sự đồng cảm của những thành viên sống trong đó. Không có sự đồng cảm, san sẻ nên chỉ có những thành viên đã “ly thân, ly hôn, ly dị” ngay trong chính gia đình - ngôi nhà một thời mơ ước, thân thuộc. Vì vậy, mái ấm gia đình của nhiều người như căn nhà bị dột nhiều chỗ, gió thốc vào nhiều phía… đã không còn ấm cúng nữa mà mỗi ngày chỉ là nơi cư trú đúng nghĩa sát thực của nó với sự bắt buộc, gượng ép cùng nhiều lý do đưa ra: giữ danh dự, giấu giếm, khỏa lấp cho con… Những hố trống, khoảng sâu trong gia đình vốn dĩ “chén đũa trong chạn con xô nhau” huống hồ chi trước những áp lực trong nhịp sống hiện đại đáng lẽ được đồng cảm, sẻ chia để bắc cầu nối lại, lấp đi những mâu thuẫn, bất đồng… thì lại ngày càng sâu, rộng hơn, để đến lúc không thể hàn gắn, hạnh phúc tan vỡ.

Ai cũng có quyền cho mình sự lựa chọn về một tương lai đẹp trong 12 bến nước “đục, trong”. Cuộc sống hôn nhân và gia đình là một sự lựa chọn mà ngày nay nhiều người tự quyết chứ không phải theo kiểu xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng đề cập: “... Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Việt Nam quan tâm nhiều đến gia đình thể hiện qua những quy định trong các bộ luật được ban hành, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam và các chủ trương, chính sách, hoạt động hướng đến xây dựng gia đình phát triển tốt đẹp… Ai cũng mong muốn giữ gìn ngôi nhà hạnh phúc nhưng không dễ dàng mà đòi hỏi từ nhiều yếu tố. Giá như có sự đồng cảm, trách nhiệm san sẻ, ý thức xây dựng và bảo vệ… từ các thành viên trong ngôi nhà thân thuộc ấy dù có “lều tranh, canh bầu” hay trong điều kiện nào để gia đình trở thành mái ấm đúng nghĩa đáng trân quý lắm thay!

Đinh Huyền Dũng

 

Tin xem nhiều