Báo Đồng Nai điện tử
En

NSƯT Đồng Thị Quế Anh: Công nghiệp 4.O thúc đẩy sân khấu thay đổi

05:06, 19/06/2020

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu cải lương không ít cơ hội lẫn thách thức. Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Nhà hát) đã và đang có bước chuyển mình, tận dụng những thế mạnh của công nghiệp 4.0 để đổi mới và phát triển.

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu cải lương không ít cơ hội lẫn thách thức. Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Nhà hát) đã và đang có bước chuyển mình, tận dụng những thế mạnh của công nghiệp 4.0 để đổi mới và phát triển.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng cảnh trí, trang phục diễn viên... cho các vở diễn mới
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng cảnh trí, trang phục diễn viên... cho các vở diễn mới

 

Đồng Nai cuối tuần có cuộc phỏng vấn với NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát, xoay quanh câu chuyện đưa sân khấu truyền thống tiếp cận với công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhất là thế hệ “công dân toàn cầu”.

Tiếp cận khán giả bằng công nghệ số

* Vài năm trở lại đây, Nhà hát đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung cũng như hình thức, mạnh dạn phá bỏ những khuôn mẫu trong sân khấu cải lương để thu hút khán giả. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa chị?

- Trong thời đại kỹ thuật số này, cải lương và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là một bộ phận người trẻ vẫn còn thờ ơ với nghệ thuật truyền thống. Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở. Làm thế nào để sân khấu cải lương được công chúng yêu mến, đón nhận nhiệt tình? Làm thế nào để cải lương có tiếng nói riêng, chỗ đứng trong lòng công chúng?... Điều đó thôi thúc chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo các chương trình nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng.

Và thực tế, bản thân cải lương là loại hình nghệ thuật có độ mở rộng và sự giao thoa với các loại hình nghệ thuật khác. Chúng tôi đã thử nghiệm với một vài vở diễn như: Niềm khát, Hồi sinh... Thật bất ngờ, các vở diễn đều tạo cảm quan tốt, khơi dậy xúc cảm mạnh mẽ cho khán giả mộ điệu và công chúng.

Là đơn vị nghệ thuật đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 trên lĩnh vực sân khấu cải lương, Nhà hát đã có sự chuẩn bị và thực hiện như thế nào?

- Ứng dụng công nghệ vào sân khấu nhằm đưa cải lương đến gần công chúng được Nhà hát ấp ủ từ lâu. Tuy nhiên, phải đến khi thực hiện vở diễn Niềm khát để tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Hà Nội vào tháng 10-2019, Nhà hát mới chính thức đưa nhiều trang thiết bị vào hỗ trợ sân khấu, hỗ trợ vai diễn.

Chẳng hạn, trang phục của diễn viên và robot được thiết kế riêng để khi kết hợp các đèn Led, máy chiếu tạo nên những hiệu ứng mới lạ. Các màn biểu diễn đã trở nên kỳ bí, hấp dẫn hơn với những biến hóa trên sân khấu nhờ sự tương tác với màn hình, điều khiển thiết bị bằng sóng điện tử.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta đừng nhìn cải lương với con mắt hoài cổ mà hãy cố gắng gắn kết cải lương với hơi thở mới.

* Trong đợt dịch Covid-19, Nhà hát đã bắt tay thực hiện, phát sóng và tương tác trực tiếp nhiều trích đoạn và vở diễn cải lương trên mạng xã hội bằng cách livestream. Số lượng người xem, tương tác và phản hồi của khán giả ra sao?

- Hình thức truyền hình trực tiếp hay livestream đã được nhiều nghệ sĩ Việt Nam và thế giới thử nghiệm thành công. Thực tế, livestream nghệ thuật đã đem đến cho khán giả và nghệ sĩ nhiều cách tiếp cận hiện đại và không kém phần hấp dẫn. Hình thức mới này đã phần nào xóa nhòa giới hạn về khoảng cách, không gian, thời gian…, “san lấp” được những thiếu hụt của thị trường biểu diễn kiểu truyền thống.

Đợt nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Nhà hát đã thực hiện hơn 10 chương trình livestream tiếp cận khán giả, đồng thời đo lượng tương tác trực tiếp thông qua kênh YouTube và Facebook của Nhà hát.

Phải nói rằng khán giả phản hồi rất tích cực, số lượng người xem tăng lên đáng kể, tăng theo từng ngày. Livestream vừa tạo thêm sự mới lạ cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc, sân khấu vừa trao thêm lựa chọn cho khán giả.

* Công nghệ mang lại điều mới mẻ, thu hút khán giả bỏ thời gian để thưởng thụ sản phẩm văn hóa trực tiếp. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình livestream với Nhà hát, có phải lúc nào cũng thuận lợi?

- Ưu thế của việc ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật đã mang lại hiệu quả tích cực và Nhà hát sẽ cố gắng duy trì và thực hiện thường xuyên. Để livestream, ngoài việc duy trì luyện tập, kết hợp nhuần nhuyễn các tiết mục, cảnh diễn, Nhà hát đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, đồng thời nhờ một số studio hỗ trợ thêm phần kỹ thuật mới đảm bảo được chương trình.

Livestream cần kỹ thuật thanh nhạc tốt cộng hưởng với sự tự tin trên sân khấu của nghệ sĩ. Trong chương trình, khán giả vừa giao lưu vừa bình luận ngay với nghệ sĩ.

NSƯT Quế Anh chia sẻ: “Đổi mới sân khấu, ứng dụng công nghệ 4.0 vào cải lương truyền thống hoàn toàn phù hợp với xu hướng mới của thời đại. Đổi mới trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cộng với sử dụng công nghệ cao một cách nhuần nhuyễn, tạo sự giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Bằng ngôn ngữ cải lương cô đọng, súc tích, cách diễn hình thể, sắp đặt, âm thanh, ánh sáng hấp dẫn, làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng công nghệ cao. Đặc biệt, nghệ sĩ phải luôn có khát vọng làm mới, mạnh dạn thử nghiệm những điều chưa từng có, nếu thành công thì tiếp tục, nếu thất bại thì tìm hướng khác”.

 

Tạo tác phẩm đi cùng thời cuộc

* Nhiều người cho rằng, tiếp cận khán giả chỉ là một phần, chất lượng tác phẩm mới là điều quyết định sức sống của sân khấu cải lương trong thời đại ngày nay?

- Chất lượng tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng được Nhà hát đặt lên hàng đầu. Muốn có tác phẩm hay, đầu tiên là phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, phải phản ánh hiện thực một cách sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm sân khấu.

Thực tế gần đây, Nhà hát đã dựng nhiều tác phẩm với đề tài mới cho nghệ thuật cải lương, trong đó tập trung vào những vấn đề xã hội đang quan tâm. Không chỉ đề tài, toàn bộ diễn viên tham gia diễn xuất đều rất trẻ, có sắc vóc. Không gian sân khấu được thiết kế hấp dẫn hơn, phối, kết hợp nhạc mới và cải lương. Các nghệ sĩ, diễn viên yêu nghề, yêu đời, dám “phá” những rào cản cũ và sử dụng đan xen truyền thống - hiện đại một cách nhuần nhị.

* Vấn đề lớn của cải lương và sân khấu truyền thống nói chung là thiếu vắng khán giả. Đây là một bài toán nan giải ai cũng hiểu nhưng phải chăng chưa có những giải pháp hiệu quả?

- Tìm khán giả cho sân khấu cải lương không khó như các loại hình nghệ thuật khác, vấn đề là chúng ta có “lao tâm khổ tứ” để làm hay không. Xây dựng khán giả cải lương, nếu yêu và mong muốn cải lương tồn tại, chúng ta sẽ làm được. Nếu ai đã từng xem những vở diễn trực tuyến hay tham gia một buổi diễn ở cơ sở của Nhà hát sẽ thấy khán giả hào hứng với cải lương như thế nào. Họ đến với sân khấu bởi có độ rung, có cảm xúc, vì họ bắt gặp tiếng nói của chính mình.

Hằng năm, Nhà hát đều cần mẫn đưa nghệ thuật về vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp diễn phục vụ khoảng trên 300 suất trong tỉnh. Cùng chương trình ca múa nhạc, các trích đoạn cải lương góp phần giúp người xem tiếp cận về loại hình này, từ đó nuôi dưỡng tình yêu. Khi tất cả các nghệ sĩ cùng chung tay thì chắc chắn, chúng ta sẽ có các lớp khán giả cải lương kế cận.

* Các nghệ sĩ trẻ đến với nghệ thuật truyền thống gặp không ít khó khăn trong việc theo đuổi nghề. Là người đi trước, chị có lời khuyên gì cho họ?

- Sân khấu cải lương hôm nay tuy gặp nhiều khó khăn, ít điều kiện để nghệ sĩ trẻ làm nghề, nhưng vẫn có những lớp nghệ sĩ trẻ tài năng “bám trụ” và góp mặt trong rất nhiều tác phẩm mới, phục vụ khán giả mộ điệu. Cách tốt nhất để giữ “ngọn lửa” đam mê với nghề là phải có tình yêu nghệ thuật. Đặc biệt, nghệ sĩ cần phải có chỗ để biểu diễn và nhận được sự đón nhận của khán giả.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ly Na (thực hiện)

 

Tin xem nhiều