Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống mẫu mực để làm gương cho con cháu

10:06, 27/06/2020

Bát đũa còn có lúc xô, vợ chồng sống với nhau cũng khó tránh khỏi đôi lần cãi vã. Thế nhưng, bằng sự dí dỏm của ông Nguyễn Quang (84 tuổi) và sự dịu dàng của bà Vũ Thị Tuyết Nhung (76 tuổi) ở KP.Hương Phước (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã khiến cho hành trình hơn nửa thế kỷ chung sống của ông bà trở nên viên mãn hơn.

Bát đũa còn có lúc xô, vợ chồng sống với nhau cũng khó tránh khỏi đôi lần cãi vã. Thế nhưng, bằng sự dí dỏm của ông Nguyễn Quang (84 tuổi) và sự dịu dàng của bà Vũ Thị Tuyết Nhung (76 tuổi) ở KP.Hương Phước (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã khiến cho hành trình hơn nửa thế kỷ chung sống của ông bà trở nên viên mãn hơn.

Ông Nguyễn Quang và bà Vũ Thị Tuyết Nhung đang đọc báo, cập nhật tình hình thời sự chuẩn bị cho nội dung sinh hoạt của CLB 19-5  Ảnh: N.Sơn
Ông Nguyễn Quang và bà Vũ Thị Tuyết Nhung đang đọc báo, cập nhật tình hình thời sự chuẩn bị cho nội dung sinh hoạt của CLB 19-5 Ảnh: N.Sơn

[links()]* Xây dựng gia đình hạnh phúc

Cha mẹ mất sớm, 11 tuổi, ông Quang theo anh trai rời Hà Nội theo đơn vị bộ đội. 13 tuổi, ông tham gia đội văn nghệ tuyên truyền và được cử đi học nâng cao. Tuy nhiên do điều kiện lịch sử, thay vì học nâng cao về nghệ thuật thì ông được chuyển sang học sư phạm, được tạo điều kiện học chính trị và tham gia giảng dạy tại các trường ở Khu tự trị Thái - Mèo (từ năm 1962 được đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc).

Tính tình sôi nổi, hoạt bát lại có năng khiếu văn nghệ nên ông Quang vừa tham gia giảng dạy vừa kiêm nhiệm công tác Đoàn Thanh niên của trường, của khu. Thời điểm ấy, bà Nhung đang học tại Khoa Tự nhiên, Trường trung cấp Sư phạm Tây Bắc, kiêm Bí thư Chi đoàn khoa. Bà Nhung kể, cùng làm phong trào nên bà có cơ hội tiếp xúc, hiểu hơn về tính cách và con người ông nên đem lòng cảm mến, nhất là từ khi biết được cha mẹ ông mất sớm, bản thân không ngừng nỗ lực vươn lên càng khiến bà cảm phục. Ông Quang thì cho hay, ấn tượng của ông về bà khi ấy là một cô gái Thái Bình chân chất, dịu dàng; biết quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng hy sinh vì người khác… sau này sẽ trở thành hậu phương vững chắc cho ông. Vì vậy, khi biết bà Nhung có tình cảm với mình, ông đã không ngại ngần bày tỏ.

Sau khi tốt nghiệp, bà Nhung ở lại giảng dạy tại Trường trung cấp Sư phạm Tây Bắc. Đầu năm 1968, ông bà tổ chức đám cưới và chính thức về chung một nhà. Đám cưới là “quả ngọt” sau một khoảng thời gian dài 2 người tìm hiểu, nhưng cũng là thời điểm bắt đầu cho một hành trình mới. 2 năm sau kết hôn, bà sinh con trai đầu lòng và 3 năm tiếp theo thì sinh con trai thứ 2. Bà Nhung kể, khó khăn nhất là thời điểm sau khi sinh con trai thứ 2, ông Quang tiếp tục học nghiên cứu sinh tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trở về Tây Bắc gần gia đình chưa lâu, ông Quang lại nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng công tác. Chừng ấy năm ông Quang đi học, đi công tác, một mình bà Nhung vừa công tác, vừa chăm sóc, nuôi dạy 2 con.

Xa nhà nhưng không có nghĩa ông quên đi trách nhiệm làm chồng, làm cha. Qua những lá thư tay, ông vẫn luôn động viên bà cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn; răn dạy các con điều hay lẽ phải. Vì vậy, 2 con trai của ông bà lớn lên chăm ngoan, học giỏi và thành đạt. Con trai lớn hiện đang định cư ở nước ngoài, con trai nhỏ hiện là chủ doanh nghiệp chế biến gỗ đóng tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa.

* Góp sức cho cộng đồng

Ông Quang chia sẻ, con trai nhỏ của ông sau khi tốt nghiệp ngành Hàng hải thì vào miền Nam làm việc, sau này mở doanh nghiệp chế biến gỗ. Sau nhiều năm xa nhà, lúc về hưu ông chỉ muốn các thành viên trong gia đình được ở cạnh nhau nên ông bà quyết định rời quê hương vào Đồng Nai sinh sống để được ở gần con, gần cháu. Sau 6 năm gắn bó với P.Long Bình Tân, ông bà chuyển sang P.Phước Tân sinh sống để con trai có điều kiện ở gần nhà xưởng, thuận lợi cho việc đi lại quản lý.

Theo lời kể của ông Quang, lúc còn ở P.Long Bình Tân, ông tham gia hoạt động Hội Cựu chiến binh, người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, các hoạt động văn hóa - văn nghệ của phường. Sang P.Phước Tân, tuổi cũng đã cao nên ông bà không trực tiếp tham gia các hoạt động nhưng vẫn có những đóng góp cho phong trào. Đơn cử, ông đã thành lập CLB người cao tuổi mang tên 19-5 hiện có 55 người cao tuổi tham gia. CLB từ khi thành lập, tuần nào các thành viên trong CLB cũng tập trung tại nhà của ông bà để sinh hoạt. Mỗi tuần một chủ đề như: thơ, sức khỏe, văn nghệ, cập nhật tin tức thời sự…  Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của CLB, các thành viên cũng chia sẻ với nhau kinh nghiệm nuôi dạy con cháu, hướng dẫn cho nhau làm các thủ tục về quyền thừa kế cho các con sao cho đúng với pháp luật…

Không dừng lại ở đó, từ nhu cầu gửi trẻ của công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp chế biến gỗ của con trai, từ số tiền dành dụm của mình, năm 2007, ông bà đã thành lập một trường mầm non. Ban đầu quy mô của trường dự kiến chỉ nhận giữ và chăm sóc khoảng 100 cháu nhưng thấy ông bà là những người mẫu mực, gia đình nền nếp, nhà trẻ hoạt động bài bản nên người dân xung quanh cũng đưa trẻ đến gửi. Tới nay, trường mầm non do ông bà làm chủ hiện đang nhận giữ và chăm sóc khoảng 270 cháu.

Bà Bạch Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Tân cho hay, ông bà xứng đáng là tấm gương sáng để con cháu trong gia đình và cộng đồng noi theo. Ông bà luôn sống chan hòa với bà con lối xóm; tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều