Báo Đồng Nai điện tử
En

Tương lai báo chí và truyền thông sẽ ra sao?

03:06, 19/06/2020

Hai cuốn sách: Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thôngHơn cả tin tức: Tương lai của báo chí góp phần giúp cho người đọc là các phóng viên, nhà báo, nhân viên làm trong lĩnh vực truyền thông, sinh viên học các ngành báo chí - truyền thông... có những thông tin tham khảo bổ ích về nghề.

Hai cuốn sách: Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thôngHơn cả tin tức: Tương lai của báo chí góp phần giúp cho người đọc là các phóng viên, nhà báo, nhân viên làm trong lĩnh vực truyền thông, sinh viên học các ngành báo chí - truyền thông... có những thông tin tham khảo bổ ích về nghề.

 * YouTube định dạng ngành truyền thông mới

Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông (tác giả Robert Kyncl & Maany Peyvan, First News ấn hành) đề cập đến thế hệ Y (tức Millennials - chỉ những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000) hay thế hệ Z (những người được sinh ra sau năm 1995) là những người “không tìm kiếm thông tin nhiều trên kênh truyền thông chính thống” mà hướng đến việc xem tin tức trực tuyến trên website, ứng dụng di động và mạng xã hội. Họ cũng là những người “đưa một video lên YouTube và sống với giấc mơ của mình” như Justin Bieber.

 Tác giả Robert Kyncl là giám đốc kinh doanh của YouTube trong khi tác giả Maany Peyvan là một “cây bút” hàng đầu tại Google, chuyên viết các nội dung truyền thông xã hội. Họ thừa nhận trong quyển sách: “Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, chúng ta có cơ hội giao tiếp với thế giới bằng cách mà internet cho phép như bây giờ. Và trong đó, cách hiệu quả nhất chính là video. Với video, nền tảng chủ yếu để thực hiện giao tiếp chính là YouTube”. Thông qua việc “kể câu chuyện về những người sáng tạo và lập nghiệp đầy tài năng - những người đã sử dụng YouTube để thực hiện những điều thú vị” và góp phần chuyển đổi ngành truyền thông tận gốc rễ, các tác giả “mô tả tài tình cách YouTube thay đổi luật chơi của ngành truyền thông, đồng thời đặt ra những dấu hỏi thú vị về ngành truyền thông, giải trí trong tương lai”. Vì bởi: “YouTube giống như một chiếc gương, phản chiếu tất cả những trải nghiệm của con người, tất cả niềm vui, nỗi buồn, hiện tại và cả lịch sử của chúng ta”.

Theo dịch giả ấn bản tiếng Việt - nhà báo Lương Trọng Vũ (từng làm phóng viên Đài Phát thanh TP.HCM, Vietnamnet, FBNC và biên tập viên Forbes Việt Nam), cuốn sách cũng dành cho bất cứ ai tại Việt Nam “nên đọc ngay lúc này nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp của mình từ YouTube và nhờ YouTube”. Tại Việt Nam, đã có các YouTuber thành công như FAP TV (Funny Action Program - nhóm bạn trẻ có chung niềm đam mê sản xuất phim và hài kịch) với hơn 9 triệu người đăng ký, trở thành kênh đặc thù lớn nhất Việt Nam.

Theo nhà báo Lương Trọng Vũ, YouTube “mang nhiều ý nghĩa của cả một ngành truyền thông mới đang chuyển mình”. Anh viết: “Một đồng tiền luôn có hai mặt, cũng như một xu hướng mới trong ngành truyền thông có đủ sức thay đổi một định dạng đã tồn tại hơn năm thập niên hay không? Chưa ai có thể kết luận được ngay từ bây giờ nhưng một điều chắc chắn có thể nói: Đây không còn là một cuộc chiến “một mất một còn” giữa hai bên, tạm gọi là cũ và mới, mà đó là sự chạy đua để thích ứng với công nghệ”. Và ở cuối cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy tác giả Robert Kyncl đề cập rằng truyền thông cũ và truyền thông mới đang cùng chạy đua, đổi mới và “một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở một điểm khi nội dung trực tuyến sẽ gần với truyền hình chính thống hơn; và ngược lại, định dạng chương trình truyền hình sẽ thay đổi để đáp ứng môi trường trực tuyến nhiều hơn”.

* Tương lai báo chí là “báo chí trí tuệ”

Nhiều người nghĩ về nhà báo theo đúng cách mà hầu hết nhà báo nghĩ về chính họ: người tường thuật lại thông tin. Trong quyển sách Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí (NXB Trẻ tái bản nhân dịp ngày 21-6-2020), tác giả Mitchell Stephens cho rằng quan điểm báo chí vốn có từ thế kỷ XIX trên đã bị lỗi thời. Thế kỷ XXI đòi hỏi phải có một cách hiểu khác về chất lượng trong nghề báo và đưa ra được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng của báo chí hiện nay.

Dù những lời tiên đoán đáng sợ về tương lai của báo chí được thốt lên nhưng “đa phần tin tức vẫn đang rất ổn, lượng thông tin mới mà công chúng quan tâm được chia sẻ cứ tăng dần”, theo Mitchell Stephens. Nhưng tác giả cũng khẳng định rằng “chính các thể thức báo chí phân tích độc đáo, mới mẻ đang dẫn lối đến tương lai”. Nhà báo Mitchell Stephens bày tỏ rằng ông viết cuốn sách Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí không nhằm kêu gọi sáng tạo ra thứ gì mới cả. Nó chỉ kêu gọi chúng ta khao khát, với nhiều ý thức và thấu hiểu hơn, về một nền báo chí thường xuyên làm nhiều hơn là việc chỉ đơn thuần kể lại xem ai nói hay làm gì vào ngày hôm qua. Nó kêu gọi xây dựng một nền báo chí rộng lớn hơn, tham vọng hơn. Và nó cũng tranh luận rằng một nền báo chí như thế sẽ không hình thành trọn vẹn mà không có sự thay đổi trong tư duy”.

Từ đó, Mitchell Stephens đưa ra quan điểm rằng chất lượng báo chí của thế kỷ XXI được gọi là “báo chí trí tuệ” (wisdom journalism) - tức hoạt động báo chí làm tăng cường hiểu biết của chúng ta về thế giới”. Theo tác giả, báo chí trí tuệ là một thứ hỗn hợp bao gồm các thể loại hiếm gặp hơn của tường thuật - tin độc quyền, tin nóng, phóng sự điều tra với “giá trị không thể bàn cãi”. Và báo chí trí tuệ cũng nhấn mạnh vào việc đưa tin, diễn giải, giải thích, đưa ra quan điểm về các sự kiện đang xảy ra.

“Các nội dung báo chí dạng bài viết, audio, video hay web như thế là cần thiết và nên có nhiều hơn nữa. Nó phải trở thành xu thế chủ đạo của báo chí. Chúng ta cần phải phát triển những tiêu chuẩn để giúp phân biệt cách làm báo chí trí tuệ như vậy khỏi những bài viết mang tính đốp chát, cãi cọ và dễ đoán. Và chúng ta cần phải làm việc đó giỏi hơn nữa” - nhà báo Mitchell Stephens bày tỏ sự mong muốn.

Thế nhưng, để đạt được “báo chí trí tuệ” như vậy, cách làm báo hiện nay phải thay đổi trong tư duy một cách đáng kể. Cuốn sách vạch ra rằng “nếu việc cung cấp sự thấu hiểu sâu sắc (insight) thay vì chỉ thu thập sự thật/dữ kiện (fact) trở thành nhiệm vụ chính của ngành báo chí  chứ không chỉ một nhiệm vụ phụ trợ - thì các phương thức truyền thống như thuê mướn và quảng bá sẽ không còn hiệu quả nữa. Cơ cấu giao việc cho phóng viên sẽ phải thay đổi. Trang nhất của các tờ báo sẽ có thêm nhiều chỗ cho những quan điểm và góc nhìn riêng biệt, độc đáo, dù thuộc bất kỳ nguồn nào. Và chúng ta sẽ cần phải dành nhiều suy nghĩ cho các tiêu chuẩn tranh luận trong báo chí, như chúng ta đã đầu tư cho cách tường thuật về một sự kiện trước đây”.              

“Ngày nay, một tỷ rưỡi người vào YouTube mỗi tháng để khám phá một thư viện video lớn nhất thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu trên bất kỳ thiết bị nào họ muốn. Bất cứ ai cũng có thể sản xuất nội dung, cung cấp, chia sẻ và thưởng thức nội dung trên nền tảng này” - trích Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông.

Yến Thanh

Tin xem nhiều