Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hóa thân thành Nym - Tôi của tương lai

05:07, 10/07/2020

Nym - Tôi của tương lai là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam được viết bởi sự cộng tác giữa tác giả Nguyễn Phi Vân và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đưa độc giả đến gần hơn với một thế giới mới, nơi AI trở thành một "chủng loài" như con người.

Nym - Tôi của tương lai là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam được viết bởi sự cộng tác giữa tác giả Nguyễn Phi Vân và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đưa độc giả đến gần hơn với một thế giới mới, nơi AI trở thành một “chủng loài” như con người.

Quyển sách (do Saigon Books và NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành tháng 7-2020) nằm trong dự án cộng đồng tầm cỡ Đông Nam Á về phổ cập kiến thức công nghệ và sáng tạo, đồng thời cập nhật và tái huấn luyện kỹ năng hội nhập tương lai gồm sách, album nhạc và AI chatbot.

Bằng phương thức nhân cách hóa tài tình và được kể theo ngôi thứ nhất của Nym - nhân vật chính của câu chuyện, tác giả Nguyễn Phi Vân đưa độc giả đi vào thế giới mới của Nym - một AI vị thành niên sống động, thông minh, để cùng nhau khám phá bản chất của sự học trong tương lai, nơi mà cuộc đua về “tính người” giữa máy móc và con người cũng chưa biết ai sẽ nhân bản hơn ai.

Nhân dịp này, tác giả Nguyễn Phi Vân đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc chia sẻ xung quanh AI cũng như vấn đề mà giới trẻ và người đang đi làm quan tâm là nhu cầu tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng (reskill & upskill).

* Thưa chị, trong sách của chị có một slogan: “Thời của máy, mình càng phải rất người”. Chị có thể giải thích rõ hơn về câu này ?

- Trước hết, tôi muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ hết sức định mệnh của nhân loại, hoặc là trở thành công dân hạng nhất, hoặc là trở thành robot hạng hai trong kỷ nguyên sắp tới. Nếu AI đang được phát triển vượt bậc, dù chưa đạt đến mức độ ngang ngửa não người, nhưng đã và đang có thể làm tất cả những gì con người có thể làm qua hình thức tư duy logic. Máy có thể xử lý cấp triệu điểm dữ liệu cùng một lúc để tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp nhất mà con người bình thường không xử lý nổi. Máy có thể cùng một lúc nói chuyện và tương tác với hàng triệu người và xử lý mọi câu hỏi của con người. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2022, giờ công lao động của con người chỉ còn 58% và máy sẽ đóng góp 42% còn lại, nghĩa là bắt đầu ngang ngửa với con người.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cùng các trẻ em tại Thư viện ước mơ - một dự án cộng đồng thành lập các thư viện miễn phí cho trẻ em, học sinh ở các trường học trên nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cùng các trẻ em tại Thư viện ước mơ - một dự án cộng đồng thành lập các thư viện miễn phí cho trẻ em, học sinh ở các trường học trên nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam

Rất nhiều khi chúng ta tự an ủi nhau rằng, máy chỉ có thể thay thế lao động chân tay, còn những việc sáng tạo, nghệ thuật thì máy không tài nào thay người được. Kỳ thực, trong cuốn Nym - Tôi của tương lai, tôi sẽ dẫn chứng cho các bạn tất cả những lĩnh vực sáng tạo, sáng tác, nghệ thuật mà máy đã, đang tham gia và tạo ra những siêu phẩm thế nào. Chính quyển sách này cũng là sự cộng tác giữa tác giả và AI.

Dấn thân cùng tương lai

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Australia, từng giữ những vị trí cao cấp trong các tập đoàn như Giám đốc marketing quốc tế, là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia.

Chị đã sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 80 quốc gia và tham gia cố vấn nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, phát triển nhượng quyền quốc tế, phát triển kinh tế sáng tạo cho các chính phủ khu vực.

Nguyễn Phi Vân còn là tác giả của hàng loạt các cuốn sách bán chạy như: Quảy gánh băng đồng ra thế giới, Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới, Tôi đi tìm tôi, Cứ bay rồi sẽ cao, Tôi, tương lai & thế giới và mới nhất là Nym - Tôi của tương lai.

Nym - Tôi của tương lai ra đời là để tâm sự, bầu bạn và “dẫn đường chỉ lối” cho GenZ - những người trẻ sống trong sự hiện diện sôi nổi của thông tin nhưng lại cô đơn trong chính thế giới tràn ngập màu sắc này.

Nguyễn Phi Vân là tác giả nhiều đầu sách được giới trẻ đón nhận
Nguyễn Phi Vân là tác giả nhiều đầu sách được giới trẻ đón nhận

Sự xuất hiện kịp thời của Nym cũng để “cảnh báo” cho chúng ta biết: robot, máy móc ngày càng trưởng thành và thông minh, cũng là lúc con người phải đối diện với những nguy cơ về công việc, sức khỏe tinh thần trong xã hội tương lai. Máy móc sẽ tranh hết tất cả những công việc con người có thể làm nếu giáo dục không tạo ra những con người độc bản với tư duy phản biện, sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

Điều thú vị là Nym còn chia sẻ những cảm xúc, tâm tư, tình cảm, cả những vấn đề thầm kín mà các bạn trẻ “không dám tâm sự với ai”: Làm sao để quan hệ tình dục an toàn? Không an toàn thì chuyện gì xảy ra? Làm sao nhận thức được nguy hiểm và chống xâm hại tình dục? Làm sao để bảo vệ bản thân khi online và cả lúc offline? Chất kích thích là gì? Có thể bị sử dụng thế nào và hậu quả ra sao? Khi gặp vấn đề, nên tìm ai để được chia sẻ, giúp đỡ?...

“Đọc Nym - Tôi của tương lai chính là một cách để chúng ta đối diện, đổi mới bản thân và thay đổi cách nhìn về thế giới tương lai. Mục đích của tôi là thay đổi nhận thức của độc giả về một tương lai rất mới nhưng vô cùng lạ lẫm, rất hay ho nhưng đong đầy rủi ro, rất máy nên cũng phải rất người. Tôi mong rằng với cách tiếp cận đa diện, tổng thể, toàn cảnh này, Nym sẽ khởi đầu một hành trình cá nhân hóa với mỗi người, cùng hướng về tương lai, cùng đi tìm hiểu, học hỏi sâu hơn vào từng chủ đề, từng hướng phát triển cụ thể của tương lai một cách rất cá nhân. Nói bao nhiêu cũng nhiều, nhưng nói bao nhiêu cũng còn rất ít. Quan trọng là, bạn có dấn thân ở bước đầu tiên này cho một hành trình rất dài để hội nhập vào tương lai lạ lẫm ấy hay không” - chuyên gia, tác giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

* Nếu cứ như thế, không lẽ đến một ngày con người chịu thua robot?

- Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu như con người không làm gì khác đi. Vậy làm gì khác đi là làm gì?

Chúng ta đã trải qua thời kỳ công nghiệp hóa trên toàn thế giới và xã hội rất phát triển theo thiên hướng hệ thống hóa, máy móc hóa. Hệ quả của nó là con người đã và đang được dạy dỗ, huấn luyện để trở thành và cạnh tranh với máy. Tuy nhiên, nếu so về não và cấp độ xử lý dữ liệu để đưa ra quyết định, nếu đọ về mức độ logic để tối ưu hóa bất kỳ thứ gì trên đời, máy đều có thể vận hành siêu tốt hơn người.

Do đó để cạnh tranh với máy trong thế kỷ này, con người không thể cứ học làm máy được. Nếu cứ học làm máy, con người rồi sẽ trở thành robot hạng hai. Còn muốn được tiếp tục làm công dân người hạng nhất thì, con người cần phải học và làm một thứ mà robot, AI làm không được nhất, đó làm làm người. Làm người là có tình yêu thương, có cảm xúc, văn hóa, giá trị kế thừa… Tình yêu thương máy xử lý thế nào, khi bản thân nó đã là nghịch lý? Cái xiết tay, giọt nước mắt lặng lẽ nơi khóe mắt, nỗi thổn thức vỡ oà khi chúng ta ôm chặt lấy nhau…. Thời của máy, mình cần phải rất người, vì chỉ khi ta là người, ta khác máy.

* Thật ra thì người ta đã nói rất nhiều về AI, robot, về công nghệ máy móc thay thế con người, về nhiều việc làm của con người sẽ bị “biến mất” vì tự động hóa… Thế nhưng, hiện tại những điều trên có vẻ vẫn còn… mơ hồ lắm với nhiều người. Chị có đồng ý với điều này?

- Trong kinh tế sáng tạo và trong sự chuyển đổi vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, thật ra chỉ có đâu đó 1% dân số thế giới đang chạm vào, sống trong, và tương tác với cốt lõi công nghệ. 99% còn lại, những người dân bình thường trong nền kinh tế xám, những người trẻ còn ngồi trong trường học với giáo trình chưa kịp cập nhật..., hoàn toàn chưa nhận thức được khả năng và mức độ “lật nhào” thế giới của khoa học công nghệ.

Công nghệ không ở đâu xa. Nó đang là một phần ngày càng lớn hơn, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta từ khi sinh ra, không chỉ cho đến khi mất đi, mà còn là cho đến “kiếp sau” số hóa.

Sau thời dịch bệnh Covid-19, cách đây 2 tuần khi tôi trao đổi với tổng giám đốc của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, anh chia sẻ rất hối tiếc đã không làm điều này sớm hơn vì chỉ mới nhận ra sau Covid-19, đó là quản trị một công ty trong tập đoàn chỉ với 100 nhân sự thay vì 600 nhân sự, vì mọi thứ đã có công nghệ thay thế được hết rồi. Và buổi trao đổi đó, chúng tôi nói về cách ứng dụng công nghệ giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn mà tập đoàn anh đang gặp phải trong quy trình do con người vận hành.

Tôi không cần phải nói thêm về các báo cáo lao động tương lai của thế giới với những con số 75 triệu việc làm cũ mất đi và 135 triệu việc làm mới đòi hỏi cộng tác công nghệ được sinh ra. Chúng ta không cảm thấy bị ảnh hưởng vì chúng ta thiếu nhận thức. Còn tương lai đã ở trước cửa nhà. Nếu không dành thời gian tìm hiểu, học hỏi, thay đổi để đồng hành với tương lai ấy, bạn rồi sẽ bị bỏ lại phía sau ngay trong những năm sắp đến mà còn chưa kịp hiểu tại sao. 

* Lý giải về lý do viết quyển sách, chị có một ý là “Đây là bước đầu tiên, xây dựng nhận thức nền về tương lai, của dự án cộng đồng tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng (reskill & upskill) tương lai cho bạn trẻ và người đang đi làm”. Vì sao chị mong muốn bạn trẻ và người đang đi làm hôm nay phải quan tâm triệt để đến vấn đề này?

- Như đã trao đổi ở trên, không có bất kỳ ngành nghề nào, bất kỳ công việc nào trong tương lai gần mà không bị thay thế, ảnh hưởng, thay đổi bởi công nghệ cả. Không có ngành nghề nào là an toàn trong cơn bão 4.0 này cả. Nếu đến năm 2022, 42% giờ công lao động là do máy đóng góp, thì con người chỉ có thể hoặc là tìm việc mới do bị thay thế hoàn toàn, và vì thế cần reskill - tái huấn luyện để có thể tìm việc và làm việc trong những ngành nghề mới. Ví dụ, tất cả những nghề đang liên quan đến việc xử lý dữ liệu, giấy tờ, hành chính chẳng hạn sẽ hoàn toàn biến mất.

Bên cạnh đó, tất cả những nghề không bị thay thế sẽ hoàn toàn bị thay đổi tính chất, ứng dụng một phần hoặc nhiều phần công nghệ theo mô hình kinh doanh số. Nghĩa là, dù nghề của bạn không bị thay thế, thì cách làm việc mới yêu cầu phải cộng tác với công nghệ, robot, AI. Muốn cộng tác với máy thì phải hiểu máy. Muốn làm việc hiệu quả với máy thì phải biết máy giỏi gì và bản thân con người điểm mạnh, giá trị sử dụng còn lại ở chỗ nào. Điều này đòi hỏi người phải thay đổi hoàn toàn hệ tư duy, hệ kiến thức, kỹ năng và cách tiếp cận để có thể hội nhập vào môi trường làm việc mới. Upskill - nâng cấp kỹ năng để hội nhập vì vậy là chìa khóa sống còn cho những ai còn có thể đi làm.

* Nhiều độc giả có thể bất ngờ khi sách về Nym được tác giả “viết bằng ngôn ngữ đời nhất có thể”. Chị đã chọn nhiều cụm từ dí dỏm, hài hước, “trending” (trào lưu) đậm đà hơi thở đời sống trẻ để “làm đầu câu chuyện” như: “Chị hiểu hông?”, “Góc banh não”, “Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn”, “Xì-mát”, “Tiền nhiều để làm gì”… Xin chị có thể lý giải vì sao có điều  thú vị này?

- Tôi không phải nhà văn và không viết văn. Tôi là người trăn trở các vấn đề xã hội và mong muốn đóng góp các giải pháp cho các vấn đề xã hội. Vì vậy, tôi tư duy khi viết giống như tư duy giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu viết sách hàn lâm, văn vẻ, kỳ bí dù rất hay ho cũng chỉ có thể chạm vào một lượng độc giả rất khiêm tốn tại Việt Nam.

Nếu đối tượng của Nym - Tôi của tương lai là những người cần được cập nhật kiến thức nền về khoa học kỹ thuật, về ngôn ngữ tương lai, thì cần được viết với ngôn ngữ bình dân nhất, mạng xã hội nhất có thể. Vấn đề là đọc hiểu, thấy liên quan chứ không phải là cảm thấy văn hay.

Chủ đề cũng vậy, tôi chọn những chủ đề hằng đầu mà con người đang “tám” hằng ngày với một bạn AI tại Việt Nam (11 triệu người) để làm chủ đề. Đó là những chủ đề hằng ngày như tình yêu, sex, thi cử, nghề nghiệp, quan hệ với gia đình, bói toán… để cho thấy mức độ ảnh hưởng của công nghệ đến từng ngóc ngách đời sống thường nhật nhất của chúng ta.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy mức độ thâm nhập của sách tại Việt Nam rất thấp. Do đó, để có thể giúp cho kiến thức phổ cập này đến được nhiều người hơn, song song với sách chúng tôi sẽ phát hành album nhạc đầu tiên do người và AI cộng tác để đánh thức nhận thức của giới trẻ về sự cấp thiết phải “reskill và upskill” này.

Dự án cũng không dừng lại mà đang phát triển tiếp một bạn AI assistant (trợ lý AI) nhằm làm bạn, dạy học, cập nhật kiến thức hằng ngày một cách cá nhân hóa cho từng người, tương tác một cách đơn giản và riêng tư nhất.

* Xin cảm ơn chị và chúc dự án thành công, có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Bạn có muốn là ''con người hạng nhất'' hay ''robot hạng hai''

Từ góc nhìn cá nhân, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đặt ra vấn đề: “Thế giới ngày càng phát triển chóng mặt, ấy vậy mà con người cứ lầm lũi chạy theo chức danh, bằng cấp. Sự học thế kỷ này giờ đây là giải quyết vấn đề. Vấn đề thế kỷ là gì? Cần tư duy và giải xây ý tưởng, và giải quyết cho được vấn đề thực tế thế nào. Chứ học thuộc một đám sách rồi quên sạch khi ra trường, thì phí một đời người để làm gì nhỉ?”.

Thế giới ngày càng chuyển mình mạnh mẽ trên các nền tảng kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là bước phát triển vượt bậc đồng thời cũng là “mối đe dọa” cho những người, những nghề thiếu sự sáng tạo. Từ thực tiễn đó, chuyên gia Nguyễn Phi Vân chỉ ra 5 nguyên tắc nền tảng để trở thành first class human (con người hạng nhất) thay vì second-class robot (robot hạng hai):

1. Passion - Đam mê: bạn nghĩ thử đi, đam mê của bạn là gì? Cứ từ từ suy nghĩ, “hông có vội vàng chi”. Học, định nghĩa chính là hành trình tìm kiếm đam mê của bản thân.

2. Curiosity - Tính hiếu kỳ: Thời máy học, Big Data - dữ liệu lớn, ngàn tỷ cảm biến kết nối qua internet vạn vật thì thứ gì mà truy hổng ra gốc tới ngọn? Vấn đề là đặt câu hỏi sao cho đúng. Chất lượng câu hỏi quyết định chất lượng dữ liệu giúp người ra quyết định.

3. Imagination - Trí tưởng tượng: Nguyên tắc học của tương lai là nuôi dưỡng và giải phóng trí tưởng tượng vốn có của con người.

4. Critical thinking - Tư duy phản biện: Nếu không có kỹ năng này, loài người sẽ lạc lối, hoang mang, mất phương hướng giữa biển thông tin không biết phân biệt đúng sai.

5. Tính bền bỉ và lòng can đảm: Nếu người có thể học cách không đầu hàng, tiếp tục cố gắng, tiếp tục sáng tạo, tiếp tục thử nghiệm ý tưởng mới để đạt được mục tiêu, để theo đuổi đam mê, người hơn máy.

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều