Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp - hoa hồng hay sỏi đá?

03:07, 04/07/2020

Năm 2016, khi tham dự lễ khởi xướng "Năm quốc gia khởi nghiệp", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp với hàm ý rằng, Việt Nam phải trở thành nơi đất lành cho các dự án khởi nghiệp lớn mạnh, thông qua đó, đất nước phát triển mạnh mẽ với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".

Năm 2016, khi tham dự lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp với hàm ý rằng, Việt Nam phải trở thành nơi đất lành cho các dự án khởi nghiệp lớn mạnh, thông qua đó, đất nước phát triển mạnh mẽ với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

 Từ sau thông điệp đó, nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ra đời, nhiều diễn đàn, hoạt động ủng hộ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cấp vốn, hướng dẫn, nuôi dưỡng các dự án khởi nghiệp non trẻ liên tục diễn ra trên mọi “mặt trận”, từ khối nhà nước đến khối tư nhân, trên nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là tính hiệu quả. Khởi nghiệp - tức là khởi sự một doanh nghiệp, một dự án làm ăn - không phải là một việc dễ dàng nhân rộng theo kiểu “người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp”.

Thực tế, khởi sự, nuôi dưỡng, duy trì một dự án, một doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, nguồn lực, chẳng hạn: vốn, nhân lực, thị trường, bán hàng, dịch vụ, phân phối... và nó đòi hỏi những kinh nghiệm thực sự, đòi hỏi sự dày dạn về kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ và hàng loạt những vấn đề khác. Vậy nên khởi nghiệp theo dạng phong trào thường khó đem lại hiệu quả thực sự cho dự án. Rất nhiều dự án khởi nghiệp rầm rộ lúc ban đầu, song khi va chạm thực tế khắc nghiệt của thị trường thì lại không thể tồn tại, âm thầm lặng lẽ rời khỏi thị trường. Chưa có thống kê chính thức, song nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ “sống sót” của các dự án khởi nghiệp chỉ ở mức 15%.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, sự quan tâm lớn lao của mọi thành phần xã hội Việt Nam về khởi nghiệp, dù chưa thể thấy ngay hiệu quả trong ngắn hạn, song lại góp phần làm thay đổi góc nhìn, tư duy của toàn xã hội về khởi nghiệp. Điều này là cực kỳ quan trọng. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhận xét, hành trình đi đến một “quốc gia khởi nghiệp” của một quốc gia gắn bó với nông nghiệp hàng ngàn năm như Việt Nam - không chỉ cần đến những người làm kinh doanh, mà còn cần cả xã hội có tinh thần khởi nghiệp. Khi đã trở thành phong trào rộng khắp, chưa bàn đến tính hiệu quả bởi nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố, song rõ ràng đến lúc này, rất nhiều người Việt Nam ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đã nhận thức rõ ràng hơn, sâu hơn về khởi nghiệp và quan trọng nhất, phần nào hiểu được rằng “ủng hộ đúng đắn cho khởi nghiệp tức là góp phần xây dựng quốc gia giàu mạnh”.

Để nâng cao tỷ lệ thành công cho các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp cần rất nhiều yếu tố, nhiều cách giải quyết mà quan trọng nhất là xây dựng một hệ sinh thái thân thiện với các dự án khởi nghiệp, một môi trường lành mạnh tích cực để nuôi lớn các ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi mới manh nha.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, một quốc gia khởi nghiệp cần một hệ sinh thái được xây dựng trên tinh thần khởi nghiệp. Đơn cử, ở góc độ chính quyền, là khi từng công chức nhìn nhận các ý tưởng kinh doanh với trách nhiệm nâng đỡ, hỗ trợ và thúc đẩy sự sáng tạo, hành vi ứng xử của họ sẽ khác. Khi đó, môi trường kinh doanh sẽ không còn sự can thiệp một cách hành chính cứng nhắc vào thị trường, chi phí giảm, rủi ro giảm, người kinh doanh sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận định được con đường kinh doanh của mình, dám dấn thân, dám sáng tạo để tận dụng các cơ hội kinh doanh đang có.

“Nhưng vẫn cần sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong cơ quan quản lý nhà nước, cần coi khởi nghiệp không phải là lãnh địa riêng của người kinh doanh mà của cả Chính phủ. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam chúng ta mới thực sự có hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp” - ông Lộc nói (nguồn: Báo Thanh Niên).

Hiện nay, cùng với Indonesia, Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đang được đánh giá là một “mảnh đất vàng” cho khởi nghiệp. Cả 4 quốc gia nói trên đang sở hữu sự kết hợp lý tưởng giữa tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, độ tuổi lao động, mức độ đầu tư và nhiệt huyết doanh nhân để biến họ thành những quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Vậy nên, cơ hội đang mở ra với tất cả các dự án khởi nghiệp, với những người muốn khởi sự kinh doanh làm giàu cho mình, cho đất nước trên mọi lĩnh vực nghề nghiệp mà pháp luật cho phép. Dĩ nhiên, để đi đến thành công, còn cần rất nhiều yếu tố, “hoa hồng” hay “đá sỏi” chờ đợi những người khởi nghiệp cũng là một câu hỏi khó trả lời, song, bất cứ một dự án khởi nghiệp nào cũng cần được tạo điều kiện, cần sự ủng hộ để đi những bước đầu tiên.

Vi Lâm

Tin xem nhiều