Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước chạy đà để tăng tốc phát triển

09:08, 22/08/2020

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, cũng như Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số ngày càng được Chính phủ và các địa phương quan tâm, chú trọng, đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển trong tương lai gần.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, cũng như Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số ngày càng được Chính phủ và các địa phương quan tâm, chú trọng, đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển trong tương lai gần.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Lam Phương)
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Lam Phương)

 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Chính phủ xác định tầm nhìn đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành “quốc gia số”, ổn định và thịnh vượng. Trong đó, mục tiêu kép mà chương trình hướng tới là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến ra thế giới…

Đối với Đồng Nai, để chuẩn bị đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển nền kinh tế số, chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26-2-2020 của Tỉnh ủy.

Theo đó, mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, hiện đại, phát triển kinh tế năng động dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; phấn đấu xây dựng và chuyển đổi liên kết ngành công nghiệp, DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế và sản phẩm công nghiệp khác biệt, nổi trội.

Trên thực tế, trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số nói riêng và xây dựng mô hình kết nối các đô thị thông minh nói chung.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên, chính quyền địa phương, DN và người dân cần có sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình phát triển các lĩnh vực theo hướng số hóa, áp dụng các tiến bộ khoa hoa công nghệ, hình thành hệ sinh thái số gắn với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó tạo ra “bước chạy đà” quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai.

Kế hoạch số 7600/KH-UBND của UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các chính sách, chương trình phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các ngành công nghệ ưu tiên hướng tới hội nhập quốc tế…

Bên cạnh các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất quán, để phát triển kinh tế số một cách nhanh chóng và bền vững đòi hỏi các DN trong nước nói chung và DN ở địa phương nói riêng cần có sự chủ động, nắm bắt các xu thế, cơ hội trong thời đại số, internet, mạng xã hội ngày càng phát triển; thúc đẩy đổi mới công nghệ, tích hợp số hóa vào sản xuất, tối ưu hóa các mô hình kinh doanh, nhất là khi phải cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài vốn có thế mạnh về vốn, công nghệ...

Từ đó, DN cần liên kết, phát triển các ứng dụng, dịch vụ xoay quanh hệ sinh thái số để có thể đa dạng hóa các kênh giao dịch, thanh toán trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích, góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, thói quen và hành vi tiêu dùng của người dân ngày càng năng động nhờ “chất xúc tác” là sự không ngừng đổi mới về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến cho xu hướng tiêu dùng, giao dịch… của người dân có nhiều thay đổi lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là điều kiện giúp các DN tự làm mới mình trong sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển dựa trên nền tảng hiện đại, thuận tiện hóa các loại hình dịch vụ…

Trước xu thế số hóa như hiện nay, mỗi người dân cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, chủ động cảnh giác, thận trọng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên dần xây dựng những thói quen tích cực, lành mạnh để góp phần hình thành nên một hệ sinh thái thương mại, dịch vụ hiện đại, tiện lợi, an toàn và văn minh.

Hoàng Hải

 

 

Tin xem nhiều